Xã hội
   Trẻ thành phố nhìn lợn con tưởng chuột "siêu béo"
 

Quen ăn, ngủ, học và chơi giữa những bức tường bê tông san sát, những đứa trẻ thành phố rất hiếm khi được tiếp xúc với cuộc sống thôn dã gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ. Vì thế, những chuyến về quê đối với chúng là một cuộc khám phá thú vị, mang đến những điều mới mẻ, lạ lẫm và cả những tình huống buồn cười.

Bỗng nhiên hóa ngây ngô
Gia đình chị Thoa anh Dũng (ngõ 783, phố Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn thường kể lại chuyện lần đầu tiên dẫn cậu con trai hơn 5 tuổi về thăm quê nội ở huyện miền núi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Cu Hùng luôn miệng hỏi bố về mọi thứ mà cậu nhìn thấy vì ở quê cái gì cũng khác. Đang tha thẩn chơi ở sân nhà, bỗng cậu bé reo to đầy thích thú: "Bố ơi có một đàn chuột béo này!" Anh Dũng nhìn theo tay con chỉ thì thấy một đàn... lợn con đang dũi đất trong vườn. Cả nhà đều bật cười vì "phát hiện" ngộ nghĩnh của Hùng. Đúng là ở thành phố, cu cậu chỉ nhìn thấy những con chuột cống to đùng nên khi nhìn thấy đàn lợn con thì tưởng đó là lũ chuột siêu béo.

Bé Bông nhà chị Thu Hằng (số 53 ngõ 124, đường Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội) trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cũng được bố mẹ cho về quê ngoại. Vợ chồng chị Hằng sống ở thành phố, từ khi sinh ra đến bây giờ bé Bông (5 tuổi) và em trai là bé Bi (3 tuổi) mới được về thăm cụ ngoại. Hôm đầu tiên, nhìn thấy cụ ngoại đã hơn 90 tuổi, tóc bạc phơ, da dẻ nhăn nheo, miệng cười móm mém, bé Bông sợ không dám đến gần. Đến hôm sau, Bông mới quen với cụ ngoại, bé mon men đến gần, sờ sờ vào bàn tay nhăn nheo của cụ. Chợt Bông hỏi: "Cụ ơi, sao cụ già thế?". Cả nhà đều bật cười vì câu hỏi bất ngờ này.

Bé Bông nhà chị Hằng thích thú với bếp củi ở quê ngoại. Ảnh: Nam Thi.

Những con vật thường thấy ở nông thôn như trâu, bò, gà, lợn... đối với trẻ con thành phố chỉ được học qua sách báo hoặc xem trong ti vi, tranh vẽ nên không hoàn toàn giống như ngoài đời thực. Chả thế mà trên đường về quê hôm vừa rồi, hai đứa trẻ nhà chị Hằng nhìn thấy con trâu đang gặm cỏ, cu Bi reo lên: "Ô con ngựa kìa!" còn bé Bông thì tỏ ra đầy am hiểu bảo em: "Không phải ngựa đâu Bi ạ, con bò đấy!".

Sự ngây ngô của cu Mít con chị Khánh ở khu tập thể 28 Điện Biên Phủ (Hà Nội) còn khiến bố mẹ "dở khóc dở cười" hơn nữa. Họ đưa con về quê ngoại ở một huyện vùng chiêm trũng vào đúng ngày trời mưa. Nhìn cậu con trai từ ngoài ngõ về, chân tay, quần áo dính đầy...phân trâu, chị Khánh thất kinh. Hỏi ra mới biết cu Mít lang thang ra ngõ gặp mấy đứa trẻ chăn trâu nghịch ngợm. Chúng bày trò chơi làm than tổ ong để lừa cu cậu bốc... phân trâu trên đường làng. Mít chưa bao giờ nhìn thấy phân trâu nên khi được bảo đó là bùn và than người ta đánh rơi, cu cậu tin ngay rồi nhiệt tình cho tay vào... bốc mà không để ý mấy đứa trẻ kia không đứa nào động vào. Chị Khánh phải "khai tử" luôn bộ quần áo và đôi giày của con vì không dám giặt. Chị còn lôi cu Mít ra tắm liền mấy lần xà bông mà vẫn cảm thấy... ghê ghê.

Thấy ong, tưởng là... ruồi
Ông Nguyễn Huyền (số nhà 24, ngõ 535, đường Lạc Long Quân, Hà Nội) kể, có lần ông mang đứa cháu đích tôn về quê chơi. Cậu bé nhìn thấy một tổ ong vàng lại tưởng con ruồi vàng mà cậu được học trong sách nên thò tay vào bắt, kết quả là bị ong đốt sưng vù. Nhắc đến chuyện đó, ông Huyền phàn nàn: "Bọn trẻ thành phố ngày nay được học rất nhiều kiến thức, nhưng đa phần chỉ là lý thuyết, thế nên khi tiếp xúc với thực tế thì rất lúng túng và dễ nhầm lẫn vì không phải thứ gì cũng giống như trong sách vở".

Cũng theo ông Huyền, trẻ thành phố có thuận lợi là được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại, được chơi những món đắt tiền nào người máy, xếp hình, xe trượt... nhưng thiệt thòi hơn trẻ em ở quê vì vốn kiến thức thực tế về thế giới tự nhiên quá nghèo nàn. Trẻ em thôn quê chỉ có những trò chơi dân dã, nhiều khi là "tự thiết kế". Chỉ cần mấy chiếc lá cây và vài quả bưởi non trong vườn nhà là chúng đã có thể bày các trò chơi đầy thú vị, thỏa sức cho trí tưởng tượng bay bổng.

Cô giáo Lê Thu Quỳnh, trường Tiểu học Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ một chuyện vui về bài văn của học sinh mà cô từng chấm. Đề bài "tả cánh đồng lúa ở làng quê" và em học sinh đã viết: "Dưới cái nắng chang chang, những người nông dân vẫn cần mẫn cấy lúa. Từng hàng lúa thẳng tăm tắp, vàng óng, trĩu bông dần hiện ra theo nhịp tay cấy thoăn thoắt của họ". Câu văn rất đúng chính tả, ngữ pháp nhưng hoàn toàn sai về tư duy. Vì vốn kiến thức thực tế không hề có nên em học sinh đã nghĩ rằng lúa vừa cấy xong đã trổ bông trĩu hạt rồi! Có em khi tả con gà thì lại ví "con gà to như cái xô nước của mẹ em".

Cô giáo Quỳnh cho rằng, thế giới tự nhiên với đủ màu sắc, trạng thái sinh động là cuốn sách hay nhất cung cấp kiến thức, giúp các em có được những hiểu biết chính xác nhất về cuộc sống. Việc cho trẻ tiếp xúc, sống giữa thiên nhiên sẽ có ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển tư duy, hình thành nhân cách cũng như sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy trong chương trình học bậc tiểu học hiện nay đã có nhiều trường quan tâm, chú trọng đến các tiết học ngoại khóa, các buổi đi dã ngoại thực tế giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách toàn diện.

"Các bậc cha mẹ nếu có điều kiện nên cho con về quê, về các vùng nông thôn, ngoại thành. Hoạt động này vừa tốt cho sự phát triển thể chất vừa tốt cho cho tinh thần, giúp các em không bị bỡ ngỡ, ngây ngô khi va chạm thực tế", cô giáo Lê Thu Quỳnh khuyên.

Theo Báo Đất Việt

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Singapore mở trường riêng dành cho trẻ tự kỷ (4/6)
 Hải Phòng: Vừa trông trẻ, vừa lo nhà sập (3/6)
 TP HCM: Lại "nóng" tuyển sinh vào lớp 1 (3/6)
 Mua đồ chơi trẻ em hợp chuẩn: Tìm kim đáy bể (3/6)
 Khi nước Đức thiếu... nhà trẻ (3/6)
 Gian nan khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em (2/6)
 Trẻ em bị chiếm đoạt "giờ vàng" trên truyền hình (2/6)
 Ôn thi vào lớp 1: “Cuộc đua” của các phụ huynh (2/6)
 TP.HCM: Tổ chức hội thi tạo hình “Thế giới trẻ thơ” (2/6)
 Điêu đứng vì con nghỉ hè (1/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i