"Các chương trình truyền hình dành riêng cho trẻ em đang bị "teo" dần đi...", ông Chu Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT đánh giá về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Khung giờ "vàng" trước đây được dành cho trẻ em nay nhường chỗ cho các nhà tài trợ. Bộ TTTT cần phải có quy định giờ phát chương trình cho trẻ em, không thể để quá muộn hoặc vào những giờ không phù hợp với trẻ", ông Hòa đánh giá. Thêm vào đó, theo ông Hòa, các kênh truyền hình cho trẻ em lại đang sử dụng quá nhiều chương trình nước ngoài trong khi không phải chương trình nào cũng phù hợp với văn hóa Việt Nam. Còn các đài truyền hình trong nước do chạy theo lợi nhuận, việc xã hội hóa chương trình cho trẻ thiếu sự chọn lọc nội dung.
"Hiện kênh ca nhạc cho trẻ em còn rất thiếu, những dòng ca nhạc tạo ra phông văn hóa, nền nhân cách không nhiều mà chủ yếu gắn với biểu diễn thời trang", ông Vũ Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục báo chí nhận xét.
"Cần có sự kết hợp giữa xuất bản với truyền hình và báo chí, nếu cấm truyện bạo lực ở truyện tranh thiếu nhi nhưng trên truyền hình lại chiếu nhiều phim bạo lực thì cũng sẽ không hiệu quả", ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản kiến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, những lĩnh vực hoạt động của ngành TTTT như báo chí, xuất bản, PTTH đang tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách trẻ em. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp với các bộ ngành khác mới có thể đạt được hiệu quả cao. Chẳng hạn khi quảng cáo một sản phẩm, việc dùng hình ảnh trẻ em để quảng cáo sẽ được cho là mang lại hiệu quả cao về mặt thương mại nhưng lại mang lại hậu quả không tốt về mặt bảo vệ và chăm sóc trẻ em. "Công tác phối hợp của Bộ TTTT với các Bộ ngành chức năng khác như thế nào để thực hiện chương trình này là việc rất đáng phải bàn. Nếu có sự phối hợp nhịp nhàng thì hiệu quả sẽ cao hơn, các mặt tiêu cực sẽ còn giảm hơn rất nhiều", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định.
Theo ICTnews