|
Tô tượng, một hình thức sinh hoạt hè của thiếu nhi. Ảnh: THANH THU |
Hiện nay, ở 24 quận, huyện tại TPHCM đều có các nhà văn hóa thiếu nhi với chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ các em thiếu nhi chưa tiếp cận được các hoạt động này. Vì sao?
Ngoại thành: Thiếu sân chơi
Ghi nhận cho thấy ở một số quận, huyện ở TPHCM như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, sân chơi dành cho thiếu nhi vẫn còn thiếu về lượng và yếu về chất. Đơn cử ở quận Bình Tân, địa phương có số lượng trẻ em dưới 16 tuổi nhiều nhất TP nhưng nhà thiếu nhi chật hẹp, trò chơi không nhiều, cơ sở vật chất cũ kỹ, chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của các em. Còn ở Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, hầu hết các sân đá bóng đều cho tư nhân thuê, học sinh muốn chơi phải bỏ tiền túi ra thuê theo giờ.
Riêng các lớp học ngoại khóa như võ thuật, âm nhạc, hội họa, thể thao..., tuy phong phú về mặt số lượng nhưng theo đánh giá của nhiều phụ huynh có con đang theo học, chất lượng chuyên môn chỉ ở mức "có cho vui", mang tính chất phong trào.
Đặc biệt, nhiều công viên có diện tích rộng rãi, cảnh quan khá đẹp, là điểm đến "lý tưởng" cho các em chạy nhảy, vui chơi lại bị người lớn trưng dụng. Chị Khánh Mai, nhà ở phường An Lạc quận Bình Tân, cho biết mấy năm trước, chiều nào chị cũng chở con ra công viên Phú Lâm chơi nhưng khoảng 2 năm trở lại đây không dám nữa. Công viên bây giờ bị các đôi tình nhân chiếm giữ, ra đó vừa không còn chỗ cho con chạy nhảy, vui chơi, mà còn gián tiếp khiến nó chứng kiến mấy "cảnh người lớn".
Có thể thấy, hình thức giải trí phổ biến nhất hiện nay ở các quận, huyện ngoại thành là game online. Tại đây, các điểm dịch vụ internet mọc lên ngày càng nhiều, mỗi nơi không dưới chục máy, hoạt động liên tục từ 6-7 giờ sáng đến 11-12 giờ khuya. Nhiều năm qua, mô hình hoạt động của nhiều nhà thiếu nhi trên địa bàn TP, đặc biệt ở các quận, huyện chỉ quanh đi quẩn lại ở việc mở các lớp học năng khiếu, tổ chức một số chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" nên chưa thu hút nhiều em tham gia.
Nội thành: Muốn đổi mới
Trái ngược với trẻ em ngoại thành, nhiều phụ huynh ở nội thành lại đau đầu vì không biết nên cho con tham gia sinh hoạt hè ở đâu trước hàng loạt các chương trình sinh hoạt hè na ná nhau ở các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa TP. Năm nào cũng vậy, sinh hoạt hè phổ biến của các em vẫn là vào các lớp năng khiếu như ca, múa, kịch, đàn piano, vẽ tranh, ngoại ngữ, vi tính... với mức học phí khá tương đồng giữa các nơi, khoảng 150.000 - 200.000 đồng/em/khóa.
Cá biệt có một số đơn vị đứng ra tổ chức các đợt sinh hoạt dã ngoại hè với điểm đến là các khu du lịch sinh thái miền Tây. Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định về nguồn nhân lực và kinh phí nên những hoạt động "đổi gió" như thế chưa nhiều. Ngay cả Nhà Thiếu nhi TP, nơi tập trung khá đông trẻ em ở TP đến vui chơi, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, đội nhóm cũng chủ yếu chỉ tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tuần. Theo một số giám đốc nhà thiếu nhi, do thiếu kinh phí hoạt động, cơ chế bó buộc nên dù muốn đổi mới các hoạt động, họ cũng đành "bó tay"...
Sau một năm dài học tập vất vả, 3 tháng hè là khoảng thời gian các em xứng đáng được tận hưởng những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, vừa để thư giãn vừa tăng cường vốn sống cho bản thân. Tuy nhiên trước thực trạng nêu trên, những người làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em băn khoăn đặt câu hỏi: "Làm sao mang lại một mùa hè đúng nghĩa cho các em?".
Theo SGGP