Trẻ em nghèo sống trong các hộ gia đình nghèo và thường là đông con, ít có cơ hội hưởng các quyền cơ bản của trẻ em.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về đói nghèo, vòng luẩn quẩn nghèo đói được mô tả: nghèo đói->thất học/dân trí thấp-> lao động giản đơn->thu nhập thấp-> không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kinh tế, xã hội cơ bản-> nghèo đói. Trẻ em nghèo sống trong gia đình nghèo và các gia đình này thường là đông con. Trẻ em nghèo có nhiều nguy cơ trở thành trẻ em lang thang, lao động sớm, bị mua bán, bị xâm hại...
Tiếp cận đa chiều theo quan niệm quốc tế về nghèo ở trẻ em, dựa trên quyền của trẻ em, tổng hợp 8 lĩnh vực: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội. Nếu không được đáp ứng 2 trong 8 nhu cầu ấy được coi là nghèo, thì nước ta có khoảng 1/3 số lượng trẻ em (tương đương gần 7 triệu) nghèo.
Chính vì vậy, sự bất bình đẳng ở trẻ em các gia đình nghèo và không nghèo ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng về vấn đề dinh dưỡng, theo số liệu mới nhất, Việt Nam có khoảng 31,9% trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 2/2009). Và đương nhiên, hầu hết số trẻ em suy dinh dưỡng này rơi vào các gia đình nghèo.
Tỷ lệ trẻ em trải qua thiếu thốn nghiêm trọng về nhu cầu vệ sinh môi trường cao nhất là ở Tây Bắc và Nam Trung bộ (34%), tiếp đến là Đông Bắc (33%) và Tây Nguyên (27%), phù hợp với tỷ kệ nghèo cao ở những vùng này. Vùng Tây Bắc, nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất cũng đứng ở vị trí cao nhất về tỷ lệ trẻ em trải qua các thiếu thốn nghiêm trọng về nhu cầu nước sạch, thông tin, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Tháng Hành động Vì Trẻ em năm 2010 (15/5-15/6) có chủ đề "Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em", chính là nhắm tới việc tạo điều kiện và cơ hội để mọi trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt hơn trong gia đình và được tiếp cận các dịch vụ xã hội./.
Theo VOV