Từ sau Tết Nguyên đán, theo thống kê của các bệnh viện, số trẻ em mắc bệnh thủy đậu nhập viện liên tục tăng và tháng 3 được coi là cao điểm (xảy ra từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm). Ngoài ra, bênh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp.
Một bệnh nhi đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, lo lắng: "Hiện số trẻ em mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện điều trị đã tăng 42% so với tháng trước. Mỗi ngày trung bình Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân. Đặc biệt có một số bệnh nhân tái nhiễm ở thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng".
Trao đổi với PV Dân trí, chị Phạm Thị M, mẹ của bé Nguyễn Văn T (3 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận) đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Một tuần trước cháu có những biểu hiện lạ như ho, sốt, quấy khóc... gia đình cứ tưởng cháu bị cảm cúm thông thường nên đã mua thuốc cho uống. Nhưng sau đó, khắp người cháu bắt đầu nổi ban đỏ. Khi đưa T đến bệnh viện mới biết cháu bị bệnh thủy đậu".
Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, lưu ý: "Bệnh thủy đậu rất dễ lây cho những người trong gia đình và cộng đồng. Trường hợp trẻ bị mắc bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và học hành của các cháu. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần đưa con em mình đến bệnh viện tiêm ngừa vắc-xin càng sớm càng tốt."
Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh thủy đậu sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với những trẻ em bị suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai. Ở những trẻ suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, virus xâm nhập thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan... Trường hợp phụ nữ có thai trong nửa đầu của thai kỳ, nếu mắc thủy đậu thì não bộ của bào thai có thể bị dị dạng; nếu trước ngày sinh một tuần lễ, người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong.
Các bác sĩ cũng cho biết đây là căn bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng, khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi... virus sẽ phát tán trong không khí. Nếu trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi... có chứa siêu vi trùng gây bệnh.
Với những trẻ đã bị nhiễm bệnh hoặc có những triệu chứng của loại bệnh này, phụ huynh cần đưa các cháu đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh cho trẻ gặp phải những biến chứng xấu nhất.
Trẻ nhập viện tăng do nắng nóng kéo dài Nắng nóng kéo dài liên tục ở khu vực phía Nam khiến một số loại bệnh ở trẻ em gia tăng bất thường. Hai bệnh viện Nhi đồng ở TPHCM trong tình trạng quá tải.
Bệnh tiêu chảy do Rotavirus gây nên có chiều hướng tăng mạnh vào những ngày nắng nóng. Nhiều trẻ nhập viện Nhi Đồng 1 trong trạng thái mất nước do tiêu chảy khiến cơ thể bị suy nhược. Tại đây, mỗi ngày có khoảng 20 - 30 cháu đến thăm khám tại Khoa tiêu hóa.
Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số bệnh nhi tiêu chảy phải điều trị nội trú tại đây có ngày lên tới 140, gấp rưỡi trung bình của những tháng trước.
Các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp với nhiều ca nhập viện. Bên cạnh đó, số trẻ nhập viện do bệnh về đường hô hấp cũng gia tăng. Tại Khoa hô hấp Bện viện Nhi Đồng, 1 mỗi giường bệnh đều phải "cõng" tới 2 đến 3 trẻ nằm điều trị.
Trong phòng bệnh nóng bức, chật chội nên nhiều phụ huynh đã bồng bế con tá túc tại khu vực hành lang. Theo các bác sĩ, sở dĩ bệnh về đường hô hấp tăng cao trong thời tiết nắng nóng là do phụ huynh thường cho trẻ nằm quạt, dùng máy điều hòa và uống nước đá quá nhiều.
BS Lê Bích Liên, PGĐ bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: để tránh cho trẻ mắc các bệnh về tay chân miệng, cha mẹ phải lưu ý giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, phải cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cách ly các cháu với những trẻ đang mang bệnh.
|
Theo Dân Trí