Ngày 16/3, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) khai giảng chương trình Tiểu học quốc tế Cambridge. Đây là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình phổ thông quốc tế Cambridge.
Tại buổi khai giảng vào sáng ngày 16/3, bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết có tổng cộng 62 học sinh tham gia chương trình tiểu học quốc tế Cambrige sau khi đã qua kiểm tra trình độ tiếng Anh.
Những học sinh đầu tiên của TPHCM tham gia chương trình phổ thông Cambrige. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Theo quy định là học sinh từ 5 tuổi đến 11 tuổi có thể đăng kí học nhưng chiếm đa số trong lớp thí điểm là các em học lớp 1 của trường. Học sinh được chia làm ba lớp 1, học 2 ngày trong tuần, buổi sáng từ 9 giờ 10 đến 11 giờ 35, buổi chiều từ 14 giờ 20 đến 16 giờ 45.
Việc giảng dạy ba lớp 1 này do một giáo viên người nước ngoài đảm nhiệm. Đây là giáo viên quốc tế của CIE. Tuy nhiên, trong 4 tuần đầu tiên, sẽ có giáo viên người Việt Nam làm trợ giảng vì các em chủ yếu là học sinh đang học lớp 1. Sau thời gian này, học sinh sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cứ sau 3 tháng, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đo mức tiến bộ của học sinh.
Bà Nguyễn Phương Lan - đại diện của Hội đồng Khảo thí quốc tế thuộc đại học Cambridge tại Việt Nam cho biết nếu học sinh nào không đạt yêu cầu thì sẽ sắp xếp thời gian để phụ đạo thêm cho đến khi các em tiến bộ đồng đều với nhau. Chương trình sẽ thành lập Câu lạc bộ phát triển tài năng Cambridge để phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Mức học phí là 150 USD/tháng và đóng 3 tháng một lần.
Được biết, theo dự kiến tại TPHCM sẽ có 36 trường (từ tiểu học đến THPT) dạy chương trình phổ thông quốc tế Cambridge , trong đó có 31 trường công lập và 5 trường dân lập.
Chương trình phổ thông quốc tế Cambridge do Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge - CIE (Anh) cung cấp. Song song với việc học chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT, những học sinh đăng kí chương trình này sẽ được học 3 môn chính là: Toán, tiếng Anh, Khoa học, có thể thêm môn bổ trợ là Công nghệ thông tin. Việc dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Sau khi hoàn thành, học sinh được cấp Chứng chỉ quốc tế Cambridge có giá trị toàn cầu. Đến nay hơn 150 nước trên thế giới giảng dạy chương trình này.
Tại Việt Nam, vào năm 2009, Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình phổ thông quốc tế Cambridge ở một số trường như Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, tiểu học Thái Thịnh... Còn tại TPHCM, sau Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ là Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thực hiện thí điểm chương trình.
|
Theo Dân Trí