Xã hội
   Cần khách quan hơn khi nói về thưởng Tết của giáo viên
 

Chúng tôi là người luôn trăn trở về mức lương của nhà giáo hiện nay, và chế độ đãi ngộ thấp dành cho đội ngũ "kĩ sư tâm hồn". Tuy nhiên, khi đọc bài "Hy vọng năm mới, giáo viên sống được bằng lương" của Thu Thủy trên Diễn đàn Dân trí ngày 13/1/10, chúng tôi vẫn còn một số băn khoăn, xin được trao đổi thêm.

"Lương nhà giáo thấp vì điều kiện ngân sách chưa đáp ứng đủ. Khi nào kinh tế phát triển, ngân sách dồi dào thì lương nhà giáo sẽ được tăng lên"

Đành rằng thu nhập của đội ngũ nhà giáo còn thấp, cuộc sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, tuy nhiên, tình hình không đến nỗi không đủ tiền làm mâm cơm cúng ông bà, không có tiền sắm quà biếu nội ngoại, mua áo cho con, mừng tuổi cho con cháu...

Người xưa có câu "Khéo lo thì ấm". Tết nghèo cũng đâu có tốn kém lắm. Tiền lì xì cũng thế thôi, "liệu cơm gắp mắm" cũng ổn thỏa. Lì xì vài chục nghìn cũng tốt, vài nghìn cũng mừng, không lì xì cũng không sao, tất cả là cái tình, cái Tâm, việc gì mà sợ. Lì xì là một ứng xử văn hóa. Chỉ một số trẻ cá biệt do thiếu giáo dục mới mở phong bao ra rồi chê ít. Quà cáp cho cha mẹ, ông bà cũng vậy, "lễ bạc lòng thành" mà.

Nhà giáo là công chức, ăn theo bảng lương do nhà nước quy định, lại được tiền phụ cấp đứng lớp (từ 30-70%). Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch tham mưu cho Chính phủ phục hồi phụ cấp thâm niên cho GV. Lương nhà giáo thấp vì điều kiện ngân sách chưa đáp ứng đủ. Khi nào kinh tế phát triển, ngân sách dồi dào thì lương nhà giáo sẽ được tăng lên.

Vấn đề là ở chỗ, cần có một cuộc điều tra về thu nhập, mức sống của đội ngũ GV, trên cơ sở đó, đề xuất những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cần tham khảo chính sách của các quốc gia khác đối với đội ngũ GV để đề xuất phương án tiền lương, phụ cấp phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, phù hợp với chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển" của Đảng.

Từ khó khăn của GV, Thu Thủy đề xuất muốn được "đàng hoàng nhận tháng lương thứ 13 như bao người lao động khác". Đây là mong muốn của nhiều người, nhưng hiện nay chưa có văn bản nào có quy định về lương tháng 13. Các ngành nghề khác có là do lợi nhuận, có tiền nên mới chia thêm, thưởng thêm.

Về chính sách, Nhà nước đã có quy định khá rõ về vấn đề này. Nghị định 43/2006/NĐ-CP "Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập" ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định như sau:

"Hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

- Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động

- Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Đối với 2 Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi mức trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện trong năm". (Điểm b, khoản 1, Điều 19)

Chính sách đã có, nếu Thủ trưởng đơn vị biết tiết kiệm, vận dụng thì cũng có thể giúp nâng cao đời sống cho GV. Khi chưa có điều kiện tăng lương, nếu Nhà nước tăng nguồn kinh phí chi thường xuyên thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trích lập các quỹ để góp phần cải thiện đời sống GV.

Thực ra, chúng tôi vẫn chia sẻ thực sự với những GV mầm non, những GV cắm bản, chấp nhận đến cùng trời cuối đất để gieo chữ cho con em vùng sâu, vùng xa. Nhà nước nên quan tâm đặc biệt đến những đối tượng này, có những chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức, sự hi sinh của họ.

Theo Bao GD&TD

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Giáo viên quá nghèo
Ngày gửi: 1/31/2010 8:47:05 PM

"Lương nhà giáo thấp vì điều kiện ngân sách chưa đáp ứng đủ. Khi nào kinh tế phát triển, ngân sách dồi dào thì lương nhà giáo sẽ được tăng lên". Câu nói này tôi không nhất trí một chút nào với bạn. Vì rằng, nếu theo suy nghĩ đó thì chúng tôi đến bao giờ mới có thể sống đàng hoàng một chút so với mức sống trung bình của xã hội. Xin thưa với bạn, là một giáo viên mầm non của Thủ đô Hà Nội mà chúng tôi thật sự thấy ngậm ngùi khi nhận lương hàng tháng, bởi vì thực chất nói là "lương" nhưng chúng tôi chỉ được hưởng ngang với "trợ cấp". Trong khi đó, công nhân của các khu công nghiệp đóng trên địa bàn, chỉ cần với trình độ phổ thông, họ chỉ phải làm 8 tiếng một ngày, vẫn được nghỉ thứ 7 + CN nhưng lương hàng tháng của họ vẫn cao hơn chúng tôi rất nhiều. Trong khi đó, chúng tôi thậm chí phải làm đến 12 tiếng một ngày nhưng chế độ thì sao, lương chỉ có 1,86 + 35% phụ cấp ngành (mới chỉ được từ 2 năm nay), nếu có bán trú thì được thêm 200.000 đồng tiền trông trưa, ngoài ra không có chế độ gì thêm, những giáo viên đã công tác 25 - 30 năm cũng bằng những giáo viên đi làm tháng đầu tiên. Thưởng tết thì công nhân có người cũng được đến hàng 20 triệu đồng, thậm chí cả đến những cô nhân viên quét dọn bệnh viện cũng được tháng lương thứ 13, thử hỏi chúng tôi có ngậm ngùi không khi mà chúng tôi chỉ được có 2 - 3 trăm ngìn đồng, trong khi đó chúng tôi là những người có tri thức, được đào tạo đàng hoàng lại không thể bằng những người chỉ có trình độ phổ thông ư ??? Nhiều khi chúng tôi tự an ủi mình bằng những ánh mắt thơ ngây của các cháu để tiếp tục có niềm tin trong công việc của mình mà thôi.....................


guest
Lại chuyện tiền lương, tiền thưởng
Ngày gửi: 2/1/2010 11:12:41 AM


Khi vào ngành mầm non, giáo viên chúng tôi đã chấp nhận rằng sẽ không có thu nhập cao như các ngành khác.
Tục ngữ có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Ít tiền thì tiêu ít, đời sống tuy chật vật nhưng co kéo thì cũng không đến nỗi chết đói chết rét.
So với mặt bằng thu nhập trong xã hội, giáo viên mầm non lương thấp hơn cả người lao động phổ thông. Một cô giáo khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm lương được 1.5 triệu đồng mỗi tháng. Liệu với số tiền lương như thế, các cô co kéo làm sao? Bữa ăn hàng ngày tuy không đến nỗi khó khăn, nhưng nếu ốm đau, bệnh tật, gia cảnh có điều gì cần chi tiêu đến tiền thì biết lấy đâu ra?
Trong gia đình, một người theo nghề mầm non mặc nhiên đã trở thành đối tượng cần cả nhà hỗ trợ tiền bạc, thời gian...đến hết đời.
Đúng là không có lương tháng 13, chúng tôi vẫn ăn Tết. Một cái Tết đạm bạc với số tiền quá ít ỏi.
Đọc bài viết trên, tôi cảm thấy rất buồn. Tác giả đưa ra câu "Khéo co thì ấm" mà quên mất câu: "Có thực mới vực được đạo". Tôi không cần giải thích về cơ chế ngân sách chi cho giáo dục hạn hẹp...Tôi cần sự thông cảm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, những người có thể tác động để đời sống của giáo viên được nâng lên chứ không cần bày cho chúng tôi làm mâm cơm Tết như thế nào, lì xì bao nhiêu... cho phù hợp với túi tiền eo hẹp của giáo viên.
Tôi mong muốn như Thu Thuỷ viết: "đàng hoàng nhận tháng lương thứ 13 như bao người lao động khác". Liệu mong muốn đó có phải là đòi hỏi quá đáng không?




guest

Cùng các đồng nghiệp
Ngày gửi: 2/1/2010 10:58:01 PM

Tôi chính là tác giả của bài viết trên. Cám ơn vì các đồng nghiệp đã quan tâm. Nhưng trong bài viết, tôi đã có nói riêng về Gv mầm non, vì vậy mong các đồng nghiệp đừng phiền lòng.
Nói chung lương của GV còn thấp, lương của GV mầm non thì còn thấp kỉ lục. Thiết nghĩ nhà nước và chính quyền các cấp cần có chính sách riêng thoả đáng đối với đội ngũ GV mầm non. Nếu để các Gv mầm non quá kho khăn là có tội với giáo dục, với thế hệ trẻ.
Trân trọng
Trọng Nghĩa



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 98,9% số trẻ 5 tuổi của Hà Nội được đi học (29/1)
 Phòng cháy chữa cháy trong trường mầm non! (28/1)
 Nghỉ Tết dài ngày: Con mừng mẹ lo (28/1)
 Trà Vinh: Giáo viên mòn mỏi chờ tiền trợ cấp (28/1)
 Trường Mầm non Định Công đón Huân chương Lao động hạng Ba (28/1)
 Trường mầm non kêu cứu vì kho thuốc trừ sâu (28/1)
 Hội chợ nhân ái! (27/1)
 Mùa lạnh, trẻ dễ mắc tiêu chảy (27/1)
 Dây buộc tóc tái chế từ bao cao su (27/1)
 Không khéo sẽ là bệnh thành tích (27/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i