|
Trẻ nhập viện vì tiêu chảy tại Khoa Tiêu hóa - BV Nhi Đồng 2 gia tăng vào thời điểm cận Tết |
Những ngày gần đây, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận trên 100 ca điều trị nội trú mỗi ngày vì bệnh tiêu chảy.
Trong tháng 12/2009, số ca tiêu chảy của BV này đã tăng 6% so với các tháng trước. Tương tự, trung bình mỗi ngày, Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 có từ 150 - 160 trẻ điều trị vì tiêu chảy. Theo các BS, khoảng tháng 1 - 2 là thời điểm các loại virus phát triển mạnh mẽ, nên trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do nhiễm trùng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, vào mùa này, trẻ còn dễ bị ngộ độc do thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
BS Nguyễn Minh Ngọc (Khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2) cho biết, trẻ từ hai tuổi trở lên, được coi là bị tiêu chảy khi đi tiêu phân lỏng hơn bình thường trên ba lần/ngày. Với trẻ dưới hai tuổi, khi đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày phải cần đặc biệt lưu ý. Biểu hiện của bệnh là: khát nước, nôn ói nhiều, môi khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, bứt rứt, quấy khóc, đi tiêu có đàm máu...
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cho trẻ. Mặc dù nước có thể đã được đun sôi, nhưng vật chứa đã lâu không được súc rửa, cũng có thể là nơi bị nhiễm khuẩn. Thức ăn dù đã được chế biến sạch sẽ, nấu chín, nhưng không được đậy kỹ, cũng là một nguồn nguy cơ. Một số bà mẹ không rửa tay chân của con thật kỹ trước khi cho con ăn cũng là nguyên nhân làm cho trẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Không ít bà mẹ vì nóng ruột nên thường hay mua thuốc cầm tiêu chảy ngay cho con. Điều đó rất nguy hiểm, vì thuốc sẽ giữ lại vi khuẩn trong lòng ruột, gây ra những biến chứng khác nặng hơn, nhiễm trùng - nhiễm độc, thậm chí tử vong. Theo BS Ngọc, cách tốt nhất khi trẻ bị tiêu chảy là bù nước bằng nước biển khô. Ngoài ra, vẫn phải cho trẻ uống nước đun sôi, sữa, tránh các loại thức ăn chua. Không cho trẻ ăn các thực phẩm có năng lượng thấp như cháo trắng, nên tăng cường thức ăn lỏng, giàu năng lượng như cháo thịt, và các loại trái cây như chuối, nho.
Theo PN