Thông qua trò chơi xếp giấy, cha mẹ có thể dạy dỗ trẻ được nhiều điều hay: kích thích khả năng sáng tạo, rèn luyện tính kiên nhẫn và độ khéo léo của đôi bàn tay. Trẻ học được gì từ trò chơi xếp giấy?
Thuật xếp giấy đã có từ rất lâu đời bắt nguồn khoảng thế kỷ thứ I, II tại Trung Hoa, sau đó được truyền qua Nhật Bản và ngày nay nghệ thuật xếp giấy Origami Nhật Bản là nghệ thuật xếp giấy nổi tiếng nhất thế giới.
Thông qua trò chơi xếp giấy trẻ học được rất nhiều điều: sự khéo léo của đôi bàn tay từ những hình thù đơn giản với chỉ vài nếp gấp như chiếc thuyền giấy, máy bay giấy đến những "tác phẩm" phức tạp hơn như dán diều, làm đèn lồng, gấp con rồng, lâu đài... với nhiều nếp gấp, cắt dán, tô màu, trang trí....
Chơi xếp giấy cùng con, cha mẹ sẽ tạo ra những phút giây gần gũi, gắn bó với trẻ trong không khí hứng khởi của việc học mà chơi, chơi mà học.
Xếp giấy còn kích thích khả năng tư duy và sáng tạo ở trẻ. Từ những hình gấp mẫu ban đầu, bé tùy ý sáng tạo theo ý mình rồi thuyết minh tác phẩm theo suy nghĩ của bé và như vậy xếp giấy gián tiếp giúp trẻ rèn luyện khả năng ngôn ngữ, diễn đạt suy nghĩ của mình, giúp cha mẹ phần nào thấu hiểu và nắm bắt tâm tư của trẻ để điều chỉnh và hướng dẫn trẻ trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách.
Nghệ thuật xếp giấy luôn đòi hỏi sự nhẹ nhàng, tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn, do vậy, đối với trẻ em, trò chơi này có tác dụng rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mẩn, đặc biệt hữu ích với các em có tính hấp tấp, lơ là, ít tập trung.
Thông qua trò chơi xếp giấy, cha mẹ có thể truyền tải những thông điệp giáo dục nhằm vun đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ cùng tình cảm, ước mơ trong sáng phù hợp với lứa tuổi của trẻ, dạy trẻ biểu lộ tình cảm yêu thương đối với người xung quanh, sống gần gũi với thiên nhiên chẳng hạn như xếp hạc giấy chúc ông bà khoẻ mạnh, sống lâu, xếp sao trữ trong lọ mong ước mơ trở thành sự thật, xếp thiên nga thả trên nước,...
Về mặt tâm lý, xếp giấy còn là cách thức giải trí rất tốt giúp giải tỏa stress, làm êm dịu thần kinh, chữa bệnh mất ngủ rất tốt đối trẻ nhỏ và người lớn.
Vài nguyên tắc cơ bản khi xếp giấy
Trước tiên, cha mẹ cần chậm rãi, nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tỉ mẩn để hướng dẫn con. Khi xếp giấy cần để các mép giấy trùng khít nhau, mỗi chi tiết cần chính xác, sắc nét. Cần bắt đầu với những hình mẫu đơn giản có hướng dẫn để gia tăng hứng thú. Gặp mẫu khó có thể tạm thời chuyển sang mẫu khác, sau đó quay lại hoàn thành mẫu từng dang dở. Trước khi xếp giấy, người gấp thường tạo nếp, sau đó chia giấy thành 2,3,4,6,8... phần tùy mẫu gấp để giúp định vị cho các bước xếp tiếp theo. Một nguyên tắc cơ bản khác là gấp giấy thường được xếp theo nguyên tắc đối xứng nhau.
Từ những ích lợi trên của trò chơi xếp giấy, thay vì cho con xem ti vi nhiều hay chúi mũi vào các trò chơi điện tử trên máy tính (mà nội dung đôi khi mang đầy tính bạo lực vừa không tốt cho mắt trẻ vừa không đem lại lợi ích trong việc vun đắp tâm hồn, xây dựng tính cách ở trẻ ngoài tác dụng giải trí). Mong rằng các bậc cha mẹ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi sẽ cùng con trẻ chơi trò xếp giấy với những vật dụng đơn giản như tờ giấy đủ màu sắc, kéo, hồ dán, hộp màu... dễ dàng tìm mua ở nhà sách hay các tiệm văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh.
Theo Thanh niên