Xã hội
   Nỗi lo "nặng ký"
 

Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì (TCBP) ngày càng tăng nhanh ở học sinh tiểu học (HSTH), đặc biệt ở những trường tiểu học thuộc các thành phố lớn.

Cá biệt có những cô bé, cậu bé mới học lớp 3, lớp 4, nhưng đã nặng trên 40kg, thậm chí có em nặng đến 70kg.

Thực trạng đáng lo ngại
Nghiên cứu mới nhất tại một số trường tiểu học thuộc các quận nội thành TP.HCM của Trung tâm Dinh dưỡng (TTDD) TP.HCM cho thấy, tỷ lệ TCBP của HSTH là 27,8%. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, phó giám đốc TTDD TP.HCM: "Tỷ lệ TCBP ở HSTH tại VN đang gia tăng một cách đáng lo ngại, với tốc độ nhanh hơn so với trung bình của thế giới. So với năm 2002, tỷ lệ trẻ TCBP ở TP.HCM hiện nay đã tăng hơn hai lần". Chỉ riêng tại TTDD TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 100 trẻ TCBP đến khám và tư vấn. TS Nguyễn Thị Lâm - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (VDDQG) cũng cho biết, một nghiên cứu khác của Viện DDQG ở diện rộng hơn đã cho kết quả: tỷ lệ TCBP của trẻ tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... vào khoảng 10%, riêng tại TP.HCM là 20%, cá biệt, ở một vài quận, tỷ lệ này lên đến 30%.

Theo các bác sĩ, BP không chỉ khiến trẻ mặc cảm, rối loạn tâm lý, không hài lòng về bản thân vì hình thể quá khổ của mình mà còn dẫn đến nhiều chứng bệnh mãn tính nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, nguy cơ gan nhiễm mỡ, tiểu đường, ung thư, tổn thương xương khớp... Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, trẻ BP có kết quả học tập thấp hơn so với trẻ bình thường.

Nhà trường không thể đứng ngoài cuộc
Không phủ nhận, trẻ bị TCBP là do gia đình. Nhưng số lượng trẻ TCBP ngày càng tăng nhanh như hiện nay, có nguyên do từ nhà trường. Cơ sở vật chất chật chội đã ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục thể chất (GDTC) ở trường tiểu học. Và ngay cả chương trình GDTC cho HS ở bậc tiểu học cũng còn nhiều điều phải bàn.

Nếu ở bậc mầm non, trẻ được quan tâm nhiều về mặt thể chất thì ở tiểu học, nhiệm vụ chính của trẻ là phải "nạp" thật nhiều kiến thức. Một tuần học của HSTH hệ bán trú chỉ có hai tiết thể dục. Thời gian để trẻ rèn luyện, phát triển thể chất vốn đã quá ít ỏi, lại không phát huy hết hiệu quả. Hình ảnh phổ biến nhất của giờ thể dục tại nhiều trường tiểu học hiện nay là trẻ ngồi xem thầy, bạn làm mẫu. Sau đó từng em, hoặc từng nhóm thay nhau tập. Mỗi tiết học thể dục 35 phút, thời gian ổn định hàng ngũ, khởi động... ít nhất cũng mất 10 phút, một lớp 40 - 50 em, trung bình mỗi em chỉ được vài phút vận động.

Bên cạnh đó, chương trình GDTC ở bậc tiểu học cũng hết sức đơn điệu. Cho đến lớp 3, giáo trình chính vẫn là các động tác cơ bản: động tác tay, chân, vươn thở, gập bụng... Hai tiết thể dục/tuần, một tiết các em học theo giáo trình chính, tiết còn lại tùy thuộc vào khả năng và sự sáng tạo của giáo viên. Ở nhiều trường, quy định chung vẫn là giáo viên chủ nhiệm kiêm luôn việc dạy thể dục. Áp lực công việc, áp lực thi cử, cộng thêm quan niệm "dạy chữ quan trọng hơn", khiến đa số giáo viên xem thể dục là môn phụ. Không có kiến thức chuyên sâu về thể dục thể thao, lại phải lo nhiều hơn cho phần dạy chữ, những sáng tạo cho môn thể dục của giáo viên gần như bị lãng quên.

Nhiều trường còn khuyến cáo: giờ chơi HS chỉ được đi lại nhẹ nhàng, không được chạy nhảy. "Có thể tận dụng những khoảng trống ít ỏi ở sân trường để trang bị những dụng cụ, trang thiết bị đơn giản, gọn nhẹ, để trẻ được vận động trong giờ chơi?". Câu trả lời là có, nhưng... khó vì: "Nhiều giáo viên và cả phụ huynh lo lắng trẻ có thể té ngã khi leo trèo. Phụ huynh không nhất trí càng có lý do khiến giáo viên không đồng tình vì sợ phải gánh trách nhiệm", hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3 trăn trở. Trò chơi leo trèo không quá xa lạ và cũng chẳng mạo hiểm đối với trẻ mầm non, bỗng dưng trở thành nguy hiểm với HSTH. Cứ thế, trẻ ngày một bị mài mòn sự năng động và càng có lý do để lười vận động.

Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục - Đào tạo TS Trịnh Quốc Thái đã từng phát biểu: Quy mô, sự hiện đại của một ngôi trường thường được đánh giá bằng số phòng học, trang thiết bị, phòng multimedia... Ít ai chú ý đến sân chơi, nơi vận động của trẻ.

Cần có sự phối hợp
Khi được hỏi: "Liệu nhà trường có thể góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ TCBP?". TS Nguyễn Thị Lâm và BS Ngọc Diệp có chung câu trả lời: "Hoàn toàn có thể!". Thực tế, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã có những cách làm riêng để tăng cường hoạt động thể chất cho HS như thuê mướn sân bãi cho HS học thể dục, hợp đồng với giáo viên chuyên trách thể dục thể thao (TDTT), tổ chức các CLB TDTT, chương trình ngoại khóa...

Nên tạo điều kiện để trẻ vận động, phát triển thể chất - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Giờ thể dục của HS lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà, Q.3 sinh động với cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật. Khoảnh sân trường có diện tích khiêm tốn được khéo léo biến thành "sân vận động" mi ni. Vừa làm vận động viên, vừa là cổ động viên, cả lớp được tham gia vận động tích cực suốt giờ thể dục. Một số trường khác như Phan Đình Phùng, Lê Ngọc Hân... cũng tổ chức các CLB võ thuật, thể dục nhịp điệu, bóng ném... để HS tham gia vận động sau các buổi học hoặc thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ TCBP, không chỉ cần nỗ lực của một vài trường. "Cần thay đổi quan niệm phải cho trẻ học thật nhiều, biết thật nhiều ở bậc tiểu học. Điều quan trọng nhất với trẻ ở độ tuổi này là phát triển kỹ năng sống, phát triển thể lực. Thiếu hụt về kiến thức có thể học lại, bù lại, nhưng những khiếm khuyết về thể lực thì không dễ dàng sửa chữa, bù đắp" - ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.

Đã đến lúc không thể xem GDTC như môn học phụ. Theo BS Ngọc Diệp: "Ngoài việc tăng thời lượng giờ học thể dục, chương trình giảng dạy cũng nên linh hoạt hơn, không nhất thiết cứ bắt trẻ phải học những động tác cơ bản, thay vào đó nên tận dụng tối đa thời gian cho trẻ vận động bằng các bài tập đơn giản như chơi ném bóng, kéo co... Tổ chức nhiều môn thể dục khác nhau và khuyến khích trẻ TCBP tham gia những môn thể thao phù hợp. Hiện nay, nhiều trẻ đang được ăn bữa sáng bằng thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thường chứa rất nhiều dầu mỡ. Thực hiện được bữa ăn sáng cho trẻ tại trường chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ để hạn chế tỷ lệ trẻ TCBP. Tất nhiên, việc làm này không đơn giản, nhưng không phải là không thể. Có thể bắt đầu thí điểm ở những trường đạt chuẩn quốc gia và dần dần nhân rộng khi có đủ điều kiện".

Theo PNO

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nguy hiểm ở sân chơi cho trẻ (11/1)
 Uống sữa, giảm học sinh bỏ học (11/1)
 Hàng triệu người chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (11/1)
 Mới chỉ có khoảng 40% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (8/1)
 “Chương trình tăng cường tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân và chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ mầm non năm 2009” (8/1)
 138 bức tranh của thiếu nhi Việt Nam được triển lãm tại Pháp (8/1)
 Tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non (8/1)
 Bữa ăn gia đình quan trọng với tương lai của trẻ (7/1)
 TP HCM chưa áp dụng 'không chấm điểm học sinh lớp 1' (7/1)
 Trẻ khó tập nói vì xem quá nhiều tivi (7/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i