Ở trường mầm non, việc bé bị ốm nhẹ, cần phải uống thuốc và việc phụ huynh gửi thuốc cho bé là rất thường xuyên. Có những lúc vào mùa dịch bệnh, một lớp có đến cả chục bé phải uống thuốc, việc nhớ thuốc của từng bé và nhớ cữ uống cho bé để khỏi lộn thuốc, khỏi quên là một điều làm mất rất nhiều thời gian của giáo viên mà đôi khi quên vẫn quên bởi một ngày, giáo viên có quá nhiều việc phải làm, phải nhớ.
Những tủ thuốc y tế trong lớp cũng không thể đáp ứng được nhu cầu về việc phân biệt thuốc các bé và nhớ cho các bé uống thuốc mà không làm mất nhiều thời gian của giáo viên cũng như ba mẹ yên tâm hơn khi gởi thuốc cho cô giáo.
Với kinh phí ở trường mầm non không nhiều, trẻ đông đồng thời không gian lớp học hạn chế, vì vậy, việc xây dựng tủ thuốc to, mỗi bé một ngăn cũng rất tốn kém và chiếm không gian rất nhiều. Làm sao để tiện lợi trong việc phân biệt thuốc phụ huynh gửi cho bé và nhớ cho bé uống thuốc mà không làm mất nhiều thời gian ghi nhớ của giáo viên vẫn là điều băn khoăn của nhiều giáo viên trong trường mầm non, nhất là những trường mà bộ phận y tế không đảm nhận việc cho trẻ uống thuốc hàng ngày. Công việc này vẫn do giáo viên đứng lớp nhận thuốc của phụ huynh và cho bé uống.
Ông cha ta xưa thường nói "trong cái khó ló cái khôn", trong khó khăn, giáo viên mầm non luôn luôn sáng tạo và tìm ra những phương án khắc phục khó khăn của mình nhằm tạo ra môi trường chăm sóc giáo dục trẻ tốt nhất.
Trong điều kiện khó khăn về không gian, làm thế nào để thiết kế tủ thuốc cho trẻ không chiếm nhiều diện tích không gian mà vẫn tiện lợi với giáo viên? Khoảng không gian tường ngay cửa ra vào là một khoảng trống thường ít được trang trí, đó cũng là khoảng trống gọn phù hợp với việc đặt tủ thuốc về độ rộng và chiều cao phù hợp.
Khi đã chọn được khoảng trống phù hợp, giáo viên trường mầm non Tuổi Thơ 7 lại trăn trở về tủ thuốc: phải làm thế nào để có một tủ thuốc cá nhân cho trẻ phù hợp với khoảng trống trên tường, gọn gàng và không tốn kém.
Một sáng kiến được nêu ra: sử dụng lại các hộp giấy (bánh, hộp đồ chơi v.v..) để tạo thành các hộp thuốc nhỏ, trên mỗi hộp thuốc đều có tên mỗi bé. Như vậy, cách làm vừa đơn giản, mỗi tổ trong lớp sẽ có một màu, vừa dễ nhận biết, vừa không bị lộn thuốc của bé, lại vừa làm đẹp không gian trống nơi gần cánh cửa mà cô nhìn lên đó sẽ nhớ bé nào cần uống thuốc.
Một sáng kiến được nêu ra và được các lớp áp dụng thử. Sau một thời gian ngắn, trong toàn trường đã xuất hiện các tủ thuốc nhỏ gọn, xinh xắn nơi khoảng tường ở cửa ra vào vừa là trang trí khoảng tường trống vừa là tủ thuốc tiện dụng trong mỗi lớp học.
Mỗi sáng kiến được thực hiện là một quá trình trăn trở với công việc: làm sao để tạo ra môi trường làm việc đạt hiệu quả cao và chăm sóc giáo dục trẻ tốt nhất. Những sáng kiến tuy nhìn vào thật đơn giản nhưng đòi hỏi phải thật sự có tâm với nghề và lòng yêu trẻ thì những sáng kiến đưa ra mới thực sự có hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.
Tủ thuốc cá nhân ở Trường Tuổi Thơ 7 là một trong những kết quả về sự nhiệt tình và lòng yêu nghề, yêu trẻ của tập thể giáo viên nhà trường. Một tấm gương sáng tạo rất đáng trân trọng.
Mamnon.com