|
Dũng một mình say sưa với tấm thiệp nhạc |
“…Các con ơi, bây giờ chúng ra hãy cũng làm những tấm thiệp chúc tết thật xinh để tặng ông bà, cha mẹ nhé.” Giờ hoạt động tạo hình với đề tài “Trang trí thiệp mừng xuân” ở lớp Chồi 2, trường MNBC 19-5, quận 10 diễn ra như mọi lớp học khác. Nhưng nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy có một cậu bé cứ đi loanh quanh từ bàn này sang bàn khác, hết xé dán rồi phết keo, phủ cát màu, có khi cậu lại đứng say sưa ngắm một món đồ chơi hoặc chạy vọt ra hàng lang…Cậu bé ấy là Huỳnh Anh Dũng bị bệnh tự kỷ hiện đang học hòa nhập tại trường.
Năm học 2005-2006, Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện chủ trương đưa tất cả trẻ khuyêt tật (KT) vào học tập trong trường phổ thông hoặc trường chuyên biệt theo địa bàn cư trú. Đồng thời, Sở yêu cầu các trường phổ thông không được từ chối tiếp nhận trẻ KT. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Liên – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM – Trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật – không phải chỉ là sự chỉ đạo suông bằng văn bản mà phải đi sâu vào thực tế, tham quan tìm hiểu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm…thì chủ trương mới thật sự đem lại kết quả.
|
Cô trò cùng làm thiệp chúc tết |
Phát biểu tại buổi đón đoàn cán bộ Sở GD-ĐT thành phố và các trường về thăm, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết: Đây là năm học đầu tiên trường nhận trẻ khuyết tật học hòa nhập. Dù chỉ nhận một trẻ nhưng việc chăm sóc giảng dạy lúc đầu đã gặp không ít khó khăn vì đội ngũ quản lý và đa số giáo viên chưa qua tập huấn về chuyên ngành, không có kinh nghiệm nhất là dạng tật tự kỷ, việc chuẩn bị môi trường còn nhiều lúng túng.
Từng bước khắc phục khó khăn, trường đã phân công một Phó hiệu trưởng phụ trách công tác giáo dục hòa nhập tại trường và 2 giáo viên đã qua đào tạo về giáo dục khuyết tật tham gia theo dõi hỗ trợ cho giáo viên phụ trách tại lớp. Bên cạnh đó, trường cũng thiết lập hồ sơ theo dõi về bệnh lý, sức khỏe, kế hoạch giáo dục trẻ; thiết lập phòng dạy tiết cá nhân, địa điểm được chọn theo nhu cầu của trẻ; thường xuyên đến thăm gia đình để tìm hiểu việc sinh hoạt, tâm lý của trẻ.
|
Anh Dũng và góc học riêng của mình trong phòng thư viện giáo viên |
Nhận trẻ vào từ tháng 10-2005, đến nay chỉ vừa 4 tháng nhưng kết quả ban đầu đã khiến nhà trường vô cùng phấn khởi. Trẻ bắt đầu quen với cô, với bạn, tham gia các giờ học của lớp, biết nghe lời cô giáo và một số kỹ năng đơn giản. Cô Thủy thổ lộ: “Khi theo dõi hoạt động của trẻ lúc đầu, chúng tôi cảm nhận khó mà thực hiện theo yêu cầu giáo dục trẻ. Tuy nhiên qua thời gian tiếp xúc, chăm sóc, chúng tôi hiểu rằng nếu chúng ta có lòng yêu thương, sự nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ vượt qua mọi khó khăn và giúp trẻ từng bước được sống hòa nhập với xã hội”
MT (mamnon.com)