|
Trẻ khám phá thiên nhiên |
Để thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, TP.HCM sẽ chuyển các trường bán công (BC) thành trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính (TCTC). Tuy nhiên, nhiều vấn đề của chủ trương này cần phải được đề cập một cách cụ thể và chi tiết. Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã trao đổi về vấn đề này.
Tự chủ không chỉ ở khía cạnh tài chính
Phóng viên: Thưa ông, cho đến nay, ngay cả lãnh đạo các trường vẫn chưa hình dung mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Xin ông giải thích một cách cụ thể hơn?
- Ông Huỳnh Công Minh: Khi nghe cơ chế TCTC, người ta thường chỉ chú ý đến khía cạnh tài chính. Tuy nhiên, trong Nghị định 10 của Chính phủ đã khẳng định “tự chủ tài chính” là bao gồm: nhà trường phải xác định nhiệm vụ chính trị của mình (mục tiêu, yêu cầu đào tạo…) để từ đó đặt ra kế hoạch thực hiện, yêu cầu đầu tư. Kế hoạch này phải được công khai bàn bạc trong hội đồng nhà trường và lấy ý kiến phụ huynh. Hội đồng nhà trường và phụ huynh sẽ giám sát quá trình thực hiện.
Tự chủ về tài chính cũng có nghĩa là nhà trường được chủ động đưa ra mức thu học phí?
- Hoạt động của trường công lập TCTC là một mô hình mới, do đó phải thực hiện thí điểm ở một số trường và phải được sự phê duyệt của các cấp. Mức học phí phải được HĐND TP.HCM thông qua theo luật định.
Nhưng thưa ông, nếu các trường không được đưa ra mức học phí thì sao gọi được là tự chủ tài chính?
- Các trường BC ở TP.HCM về bản chất chính là trường công TCTC. Mức học phí BC hiện nay đã được HĐND TP.HCM chấp thuận và đáp ứng được yêu cầu của HS đang theo học. Với yêu cầu thực hiện Luật Giáo dục có hiệu lực từ đầu năm 2006, con đường chuyển các trường BC thành trường công lập TCTC là con đường tốt nhất. Yếu tố điều tiết kinh phí sẽ đảm bảo cho nhà trường hoạt động mà không cần phải tăng học phí.
Vậy là chỉ có trường BC mới phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế TCTC. Các trường công lập khác thì sao thưa ông?
- Đây là một lộ trình lâu dài đến năm 2010. Trước hết, TP.HCM sẽ chuyển các trường BC, sau đó sẽ dần thực hiện từng bước theo định hướng của NQ 05/2005/NĐ-CP nhằm tạo ra sự đa dạng các loại hình giáo dục.
Tuyển sinh: Về cơ bản không thay đổi
Khi chuyển các trường bán công về công lập TCTC, Sở GD-ĐT có tính đến thay đổi hình thức tuyển sinh để khắc phục những bất hợp lý trước đây?
- Có thay đổi, nhưng sẽ kế thừa những kinh nghiệm tốt của hình thức tuyển sinh trước đây, đồng thời không tạo ra những xáo trộn lớn ảnh hưởng đến xã hội.
Ở lĩnh vực mầm non, chuyển các trường BC về công lập TCTC nhưng nếu vẫn cào bằng mức học phí như hiện nay liệu có công bằng không khi còn khá đông trẻ em chưa được hưởng GD mầm non do thiếu trường lớp?
|
Cô và trẻ tại trường MNBC Măng Non 1, quận 10 |
- Giải quyết điều kiện học tập của các cháu nằm trong kế hoạch tổng thể hơn trong đó chuyển đổi trường BC sang cơ chế TCTC sẽ có cơ hội để nhà trường thu hút đóng góp của xã hội thông qua quỹ học phí. Nhà nước sẽ dồn kinh phí đầu tư cho các trường còn khó khăn.
Nghị quyết 05/2005/NĐ-CP và các văn bản của Bộ GD-ĐT đều quy định đến năm 2010, 70% học sinh mầm non sẽ học ở các trường ngoài công lập. Trong tình hình của TPHCM hiện nay, ông nhận định gì về chỉ tiêu này?
-Nếu 70% HS mầm non học trường ngoài công lập thì nhà nước lo cho mầm non quá ít, trong khi giáo dục mầm non đóng góp rất lớn vào việc hình thành nhân cách và năng lực học tập của các cháu về sau. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có lộ trình cụ thể để lo cho giáo dục mầm non tốt hơn, đồng thời sẽ huy động nguồn lực xã hội cho ngành học này mà không nhất thiết phân bổ đều cho mọi địa bàn theo chỉ tiêu 70% ngoài công lập.
Mốc 2010 dường như không còn xa. Liệu lộ trình thực hiện có được như mong muốn?
- Thực hiện một điều mới bao giờ cũng phải có đắn đo. Hơn nữa chuyển một hệ trường là ảnh hưởng đến hàng ngàn học sinh và giáo viên, do đó phải hết sức cẩn trọng trong bước đi ở giai đoạn ban đầu. Tôi tin rằng, chúng tôi có thể đi nhanh hơn trong những giai đoạn sau nếu giai đoạn đầu thực hiện tốt.
Sài Gòn Giải Phóng