Nhiều trường, nhiều địa phương luôn kêu thiếu người giảng dạy. Ngành giáo dục tính toán cả nước thiếu đến hàng chục ngàn giáo viên. Nhưng oái oăm thay, một lượng lớn giáo viên được đào tạo sư phạm chính quy lại không thể tìm được chỗ dạy.
Anh Nguyễn Hàng Phong Vũ (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) luôn khát khao được dạy đúng ngành mình đã học. Trong ảnh: Phong Vũ trên đường đi làm đồng về - Ảnh: Hồng Ánh
Tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành vật lý loại khá tại Trường ĐH Đồng Tháp, Hồ Thị Bé Thùy (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) tự tin mình sẽ sớm xin được một chỗ dạy. Đến khi thấy nhiều giáo sinh ra trường trước đó xin việc ở tỉnh nhà không được, Thùy nhanh chân nộp hồ sơ cùng lúc ở Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.
Thế nhưng mấy tháng trời chờ đợi mỏi mòn mà chẳng nơi nào gọi đi dạy. Thùy lặn lội đến một số trường xin dạy hợp đồng cũng chẳng được. Gia đình sống chỉ nhờ hai công ruộng, cha mẹ già yếu. Trong khi số tiền vay 8 triệu đồng trong thời gian đi học như gánh nặng cứ đeo đẳng cô. Thùy đành lên TP.HCM tìm việc, hiện cô đang làm công nhân kiểm hàng cho một công ty may ở Q.Gò Vấp. "Sau 16 năm miệt mài đi học, giờ phải xa nhà đi làm công nhân. Buồn lắm!" - Thùy nghẹn ngào kể rồi nói thêm số bạn học chung khóa không ít người cũng phải tha phương bươn chải mưu sinh như cô.
Học sư phạm rồi...thất nghiệp
Với N.T.N. (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), tương lai còn mờ mịt hơn. Tốt nghiệp sư phạm ngành ngữ văn loại khá nhưng sau hai năm N. chẳng tìm đâu ra chỗ dạy. Bạn bè trong lớp người thì xin việc ở đài truyền thanh, làm nhân viên văn thư, còn cô vẫn đang... thất nghiệp.
Ngay cả những ngành học trước đây từng thiếu nhiều giáo viên, giờ đây giáo sinh ra trường cũng không thể xin được nơi giảng dạy. Nguyễn Hàng Phong Vũ (huyện Sông Hinh, Phú Yên) năm năm trước đã chọn ngành cao đẳng sư phạm âm nhạc và công tác Đội để theo học vì Vũ biết ngành học này thiếu nhiều giáo viên.
Thế nhưng ra trường hai năm nay, Phong Vũ chỉ biết nộp hồ sơ rồi ở nhà cày ruộng và chờ đợi trong vô vọng. Phong Vũ ngao ngán: "Tôi học sư phạm nhạc ra trường không có chỗ dạy, thật không biết làm nghề gì khác".
Chỉ tính riêng bậc THPT, năm 2009 Sở GD-ĐT Phú Yên đã tiếp nhận 458 hồ sơ xin việc nhưng chỉ có thể tuyển dụng được 49 người, còn lại 409 hồ sơ bị... cất vào tủ. Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nhi - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - cho biết đầu năm học này sở đã tiếp nhận hơn 1.900 hồ sơ giáo sinh xin tuyển dụng làm giáo viên nhưng chỉ tuyển 1.150 người.
"Chúng tôi ưu tiên chọn người trong tỉnh và chọn theo thứ tự điểm tốt nghiệp từ cao xuống thấp. Ở bậc THCS và THPT, một số bộ môn chỉ tuyển 20-50% số lượng đăng ký" - ông Nhi nói. Trong chồng hồ sơ đang tồn đọng tại phòng tổ chức cán bộ của sở này, chúng tôi thấy có khá nhiều giáo sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi từ các trường ĐH Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ...
Thiếu 40.000 giáo viên Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), tính đến tháng 11-2009 cả nước có gần 980.000 giáo viên từ mầm non đến THPT. Xét theo cơ cấu môn học và căn cứ vào yêu cầu chất lượng giáo dục thì ngành giáo dục đang cần bổ sung khoảng 40.000 giáo viên, nhưng ở bậc trung học hiện nay đang có đến 24.400 giáo viên dôi dư. Ở bậc tiểu học với chương trình một buổi/tuần thừa gần 34.600 giáo viên. Riêng số giáo sinh tốt nghiệp nhưng chưa tìm được chỗ dạy, đến nay vẫn không ai có thể thống kê đầy đủ. |
Thừa trong, thừa ngoài
Tại An Giang, ông Phan Văn Sơn - trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT An Giang - cho biết hồi giữa năm 2009 sở nhận được 1.136 hồ sơ xin tuyển dụng. Nhưng sở chỉ tuyển 809 người, trong đó phần lớn số tốt nghiệp ĐH được đưa về dạy ở bậc THCS; còn lại 312 giáo sinh ĐH và CĐ chưa được phân công, chiếm đến hơn 27%. Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp Nguyễn Hoàng Nhi cho biết tỉnh này hiện còn đến 726 giáo sinh không được tuyển dụng.
Trong khi đó tại nhiều trường học, một lượng lớn giáo viên lại đang "ngồi chơi xơi nước". Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng thừa giáo viên không đáp ứng yêu cầu công việc đang khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ.
Ông Lương Văn Soòng, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, cho biết: "Kết quả rà soát mới đây có hàng trăm giáo viên không đáp ứng được yêu cầu dạy học, nhưng chỉ một số có khả năng đào tạo lại, còn nhiều người không thể sắp xếp đứng lớp do không đảm bảo chất lượng giáo dục".
Bà Đinh Thị Lan Duyên, phó chủ tịch Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Môn ngoại ngữ bậc THCS hiện đang có hàng chục giáo viên trong biên chế không thể sắp xếp đứng lớp nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, để chuẩn bị cho việc dạy ngoại ngữ ở tiểu học, quận vẫn phải tuyển giáo viên ngoại ngữ mà không thể đổi số giáo viên dôi dư sang dạy tiểu học được. Tình trạng thừa giáo viên ngoại ngữ cũng là vấn đề tồn tại của một số quận nội thành cũ ở Hà Nội. Điều đáng quan tâm là nhiều nơi phải chấp nhận vừa chi lương cho số giáo viên dôi dư vừa chi cho một lượng lớn giáo viên hợp đồng nhằm đảm bảo yêu cầu của chương trình.
Theo Tuổi Trẻ