Xã hội
   Hội chứng trẻ tự xoay xở
 

TS Libby Zinman Schwartz
Tiến sĩ Libby Zinman Schwartz là một bác sĩ trị liệu tâm lý có kinh nghiệm 20 năm tại Mỹ. Cách đây 10 năm, khi đến TP.HCM, bà đã thành lập dịch vụ tham vấn cá nhân và gia đình IFC (Individual and Family Counseling - 28/1A Ngô Văn Năm Q.1, TP.HCM) để chia sẻ những khó khăn với các gia đình Việt Nam.

Từ những ca tư vấn thực tế, bà nhận ra, không ít trẻ em Việt Nam đang rơi vào hội chứng "Trẻ tự xoay xở" (Latchkey children).

* Thưa bà, thế nào là trẻ tự xoay xở (L.C)?
- Đó là những đứa trẻ đi học về nhưng phải ở nhà một mình vì bố mẹ đi làm về rất muộn. Vì cho rằng trẻ từ 9 - 15 tuổi có thể tự mở cửa vào nhà, có thể giữ nhà, coi nhà nên các bà mẹ thường giảm sự quan tâm đến con, tập trung tăng tốc trong sự nghiệp. Đa số trẻ L.C lớn lên trong môi trường gia đình "hạt nhân", chỉ có bố mẹ con cái. Khi con còn bé, việc gửi con để đi làm là một thử thách đối với bố mẹ, nên họ thường cảm thấy nhẹ gánh khi con đã đến tuổi có thể ở nhà một mình. Hoặc có nhiều gia đình ở tỉnh gửi con vào TP.HCM, ở nhà bà con để được đi học ở những ngôi trường chất lượng. Những đứa trẻ trong hoàn cảnh này cũng thường xuyên phải ở nhà một mình vì cô, chú, dì... đi làm suốt ngày.

* Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ tự xoay xở?
- Khi được hỏi "Bạn có biết con mình làm gì khi ở nhà một mình?", nhiều ông bố, bà mẹ kể ra ngay: chúng học bài, xem tivi, làm việc nhà... Nhưng, đó là họ nghĩ thế, chứ thật ra họ không hề biết con mình làm gì. Nhiều bà mẹ còn cho rằng, chỉ cần biết con ở trong nhà là ổn rồi. Thực tế cho thấy, có những đứa trẻ về nhà, cất cặp, thay quần áo, rồi khóa cửa, ra ngoài la cà, tụ tập. Đây là cơ hội để kẻ xấu "tiếp thị" thuốc lắc, ma túy với trẻ, dạy trẻ những bài học về lối sống sành điệu, làm "người hùng"... vốn rất hấp dẫn, lôi cuốn trẻ. Tất nhiên, trẻ không bao giờ kể lại với bố mẹ và vẫn có mặt khi bố mẹ về nhà. Nhiều đứa trẻ rủ bạn bè về nhà trò chuyện, xem phim, tò mò tìm hiểu giới tính... Vì thế, nhiều ông bố, bà mẹ vô cùng kinh ngạc khi đứa con ngoan của mình lại bỏ học, nghiện ma túy, quan hệ tình dục... Họ không tin cho đến khi sự thật đã rõ ràng.

Ở độ tuổi chuẩn bị lớn, mới lớn, trẻ rất năng động, thích giao tiếp, hoạt động theo nhóm chứ chưa có thói quen, nhu cầu "tự nghiên cứu" học hành trong tĩnh lặng. Độ tuổi này cũng rất mong manh về tâm lý, dễ nghe theo những lời nhẹ nhàng, nghe theo những người tỏ ra quan tâm đến mình. Nếu con bạn ở nhà một mình, chúng cũng sẽ không dừng các hoạt động hướng ngoại như gọi điện thoại, vào mạng chat, xem phim... mà bố mẹ không thể kiểm soát được nội dung.

Đứa trẻ lớn lên, biết mình là ai, thông qua mối quan hệ với bố mẹ và đây là mối quan hệ gần gũi và đáng tin cậy nhất. Những nhận xét, góp ý, dạy bảo của bố mẹ khiến trẻ hiểu ra mình phải sống, cư xử thế nào, từ đó hình thành nhân cách của trẻ. Vì thế, không có bố mẹ bên cạnh hoặc gặp gỡ bố mẹ quá ít sẽ khiến trẻ dần dần mất khả năng nhận thức về bản thân. Nhiều đứa trẻ đòi hỏi bố mẹ về nhà với con thì lại bị trách mắng. Bố mẹ đã không hiểu trẻ "phải nuốt" sự cô đơn, buồn phiền vào trong, vô tình nuôi dưỡng sự "bất mãn" đối với bố mẹ và chúng "thải" nổi sầu này ra ngoài bằng cách làm tổn thương những người xung quanh: đánh bạn, hỗn hào với thầy cô, cãi lời bố mẹ... hoặc gây ra những chuyện "bất thường" để lôi kéo sự quan tâm của bố mẹ.

* Nhưng nhiều ông bố, bà mẹ biện minh là họ "biết hết", chỉ là không thể giải được bài toán thời gian.
- Đó không phải là lý do! Nếu xảy ra hậu quả, bạn càng tốn nhiều thời gian hơn để xử lý, đôi khi lại không thể giải quyết được. Mọi người hay nói không có thời gian, nhưng thật ra là họ đã ưu tiên thời gian cho các hoạt động khác. Nhiều ông bố, bà mẹ đã làm được rất nhiều việc, nhưng chuyện quan trọng nhất lại chưa thực hiện, trong đó có chuyện dạy dỗ con cái. Vì thế, những ông bố, bà mẹ nên có ý thức giữ sự cân bằng giữa công việc và chuyện giáo dục con cái.

* Theo bà, đứa trẻ cần gì ở bố mẹ?
- Trước hết, trẻ cần tình yêu thương! Trẻ lớn lên không chỉ nhờ thức ăn. Nhiều cha mẹ khẳng định rất thương con nhưng không biết cách biểu hiện tình yêu nên hoặc quá "úm" con, hoặc quá "bỏ" con. Cả hai thái cực này đều gây hại cho trẻ. Thực tế, nhiều người dư dả tiền bạc, vẫn không thể lo được cho con theo cách đứa trẻ cần. Lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng kịp thời những nhu cầu hợp lý, chính đáng của con mới là dấu hiệu cho thấy bạn biết yêu thương con cái.

Bên cạnh yêu thương, trẻ cần kỷ luật để nhận biết những điều mình không được phép làm. Nguyên tắc phạt trẻ là không đánh đập, la mắng... mà giảm hoặc cắt những hoạt động mà trẻ yêu thích như xem truyền hình, lên mạng, đi chơi với bạn... Thông thường, thời hạn phạt không quá dài, nhưng phải đủ "đô" để trẻ cảm nhận được sự thiệt thòi, mà không tái phạm nữa.

* Sống và làm việc tại Việt Nam đã hơn 10 năm, bà nhận định về sự chuyển đổi theo thời gian của gia đình người Việt thế nào?
- Thay đổi dễ thấy nhất là nhiều gia đình giàu lên, bố mẹ bận rộn hơn. Bữa cơm gia đình thưa vắng, nhiều gia đình chỉ gặp nhau vào bữa cơm tối nhưng cũng ít khi đầy đủ các thành viên. Trong gia đình xảy ra nhiều mâu thuẫn, nên các thành viên bắt đầu cần đến sự giúp đỡ của chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn rất nhiều ngôi nhà Việt Nam là nơi thân thiết của tất cả những người có mối quan hệ huyết thống với nhau.

Theo Phụ nữ Online

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tổ chức chuyên đề “ Những vấn đề chung về phát triển ngôn ngữ và rối loạn ngôn ngữ” (23/12)
 Chọn bác sĩ khám bệnh cho con (23/12)
 Tin Ngắn (23/12)
 Các cháu mầm non "khóc" với nhà vệ sinh người lớn (22/12)
 Vừa học vừa run (22/12)
 TPHCM: Cháo dinh dưỡng chứa chất cấm (22/12)
 Đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ về ở TPHCM (22/12)
 Sẽ thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên (21/12)
 Ai có quyền bảo vệ trẻ? (21/12)
 Phụ huynh sợ… đến trường (21/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i