|
Cha mẹ cần chú ý cân bằng thực đơn cho con để bé có sức khỏe và sự phát triển tốt nhất |
Cha mẹ cần chú ý cân bằng thực đơn cho con để bé có sức khỏe và sự phát triển tốt nhất.
Nhóm thực phẩm quan trọng
- Thức ăn tinh bột (carbohydrate): Có mặt trong 3 bữa chính và một số bữa phụ của bé. Chúng gồm cơm, khoai tây, khoai lang, mỳ và những thức ăn từ bột mỳ như bánh mỳ, bánh ngọt, bánh quy...
- Hoa quả và rau xanh: Cần chuẩn bị ít nhất một phần rau xanh trong bữa chính của bé. Hoa quả thì bạn có thể cho bé ăn thường xuyên hơn.
- Thức ăn giàu protein và chất sắt: Chúng có mặt trong ít nhất 2 bữa chính của bé, gồm: thịt, cá, trứng, các loại hạt.
- Sữa, sữa chua và phômai: Có thể cho bé ăn 3 loại trên thành 3 phần trong ngày. Thực phẩm chứa sữa giàu canxi, tốt cho xương của bé nhưng có thể nghèo sắt. So với các bé nhũ nhi, bé ở tuổi mẫu giáo cần ít sữa hơn, khoảng 120ml, tương ứng một cốc sữa. Cũng có thể cho bé uống thêm sữa nhưng không quá 350ml mỗi ngày. Nên nhớ, uống nhiều sữa sẽ khiến bé bị no, giảm cảm giác thích thú khi ăn.
Đồ uống
Ở độ tuổi này, bé có thể uống tới 6 cốc (nước lọc + sữa + nước quả) mỗi ngày. Mỗi cốc ứng với một bữa chính hoặc một bữa phụ. Bé ở tuổi mẫu giáo cần nhiều chất lỏng hơn vào những ngày trời nóng, nhất là khi bé nô đùa, dễ bị mất nước nhanh.
Sữa và nước lọc là hai đồ uống quan trọng giữa những bữa chính. Nên cẩn thận với nước hoa quả vì axit trong hoa quả có thể phá hủy men răng, nếu bé uống nhiều lần trong ngày. Đồ uống giàu đường và axit như nước ép quả, nước quả đóng hộp thường là thủ phạm gây sâu răng. Tốt nhất, cha mẹ cần pha loãng và cho bé uống ở mức vừa phải, uống xong cần dạy bé súc miệng bằng nước lọc.
Thức ăn cần hạn chế
- Thực phẩm giàu đường và chất béo: Đáp ứng năng lượng trong quá trình phát triển của bé, bao gồm: bánh rán nhiều dầu (mỡ), bánh quy, bánh ngọt, kem... Nếu bé lười vận động, thích ngồi xem tivi thì bạn cần giới hạn lượng thức ăn dạng này cho con. Nếu không bé dễ bị thừa cân.
- Thực phẩm giàu đường và chocolate: Cũng dễ làm bé bị sâu răng nếu ăn thường xuyên. Ngoài ra, chúng còn khiến bé giảm hứng thú với những món ăn có lợi cho sức khỏe khác.
- Thực phẩm nhiều muối: Các chuyên gia khuyến cáo, ở độ tuổi 3-6, các bé chỉ cần 2g muối mỗi ngày (tương đương 0,8g natri). Thật khó để đong đếm lượng muối chính xác vì bản thân nhiều thức ăn đã chứa muối tự nhiên. Những cách giúp hạn chế muối cho con là:
+ Cho bé ăn bimbim hoặc các món như khoai tây ròn, khoai lang ròn... 1-2 bữa một tuần.
+ Không cần nêm thêm muối khi đồ ăn đã dọn ra bàn.
+ Tạo thói quen ăn vừa miệng cho con, tránh ăn mặn.
- Cá nhiều dầu như cá hồi, cá kiếm, cá ngừ, lươn... giàu omega 3, vitamin A và D. Tuy nhiên, những loại cá này cũng dễ chứa độc tố nếu ăn quá nhiều. 1-2 bữa cá nhiều dầu mỗi tuần là phù hợp với các bé.
Thực phẩm cần tránh hoàn toàn
- Trứng sống hoặc chỉ chín một phần có thể gây ngộ độc. Cần nấu trứng thật chín trước khi cho bé ăn.
- Cá lớn, sống lâu năm như cá mập, cá kiếm... chứa lượng thủy ngân cao nên không an toàn cho bé.
- Nhiều loại hạt có thể gây hóc cho bé dưới 5 tuổi.
- Trà và cafe cần tránh hoàn toàn vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong thực phẩm.
- Nước ngọt gây sâu răng.
Khuyến khích bé ăn ngoan
Cha mẹ cần vui vẻ khi cho con ăn chứ không phải bắt ép, hãy để bé tự quyết xem bé sẽ ăn bao nhiêu. Nhiều bé biết được ăn những gì, ăn bao nhiêu là đủ. Ngoài bữa chính thì bữa ăn phụ không thể thiếu với các bé. Bên cạnh 3 bữa chính, có thể cho con ăn thêm 2-3 bữa phụ (cũng có khi phụ thuộc vào lịch ăn uống ở lớp mẫu giáo).
Không nên cho bé ăn ngay sát giờ đi ngủ và khi bé quá mệt, không thể ăn được nhiều. Có thể cho con ăn một bữa nhỏ ngay khi vừa thức giấc. Bữa phụ hợp lý tránh cho bé không quá đói và không ảnh hưởng đến bữa chính.
Theo mevabe