Trong hai ngày 1 - 2/12 vừa qua, cuộc tọa đàm Sân khấu cho trẻ em đã được tổ chức tại Nhà hát kịch TP.HCM và Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Đây là dịp để các đơn vị đánh giá lại quá trình hoạt động của dự án Tiếng nói trẻ thơ và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Được sự hỗ trợ của Hiệp hội sân khấu quốc tế Thụy Điển (ITI) và tổ chức Swedish International Development Cooperation Agency (SIDA), dự án Tiếng nói trẻ thơ dành cho trẻ em thiệt thòi Việt Nam đã chính thức ra mắt vào tháng 4/2007. Từ đó đến nay, hai nhà hát tham gia dự án tại TP.HCM đã dàn dựng được 19 chương trình, kịch mục và thực hiện gần 400 suất diễn phục vụ hơn 250.000 trẻ em nghèo ở TP.HCM và các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến đồng bằng sông Cửu Long.
Vở diễn Hai đứa bé của Nhà hát kịch TP thuộc dự án Tiếng nói trẻ thơ đã được các khán giả nhí đón nhận nồng nhiệt
Có lẽ hội thảo lần này là một trong những dịp hiếm hoi mà vấn đề trẻ em thiệt thòi và nhu cầu chăm sóc tinh thần được đặc biệt quan tâm. Không dừng lại ở nhu cầu giải trí đơn thuần, những bài tham luận, ý kiến của TS Huỳnh Văn Sơn, ông Sengupta Rudraprasad - giám đốc nhà hát Nandikar (Ấn Độ), bà Emma Jansson - đại diện ITI... còn nhấn mạnh đến vai trò của nghệ thuật trong sự phát triển nhân cách, tinh thần của trẻ em. Có một điểm rất chung giữa tất cả các ý kiến là: "Nghệ thuật giúp trẻ thiệt thòi mở cánh cửa để khám phá thế giới xung quanh, giúp các em biết sống có khát vọng, biết ước mơ và hiểu những giá trị đích thực thông qua từng nhân vật, từng vở diễn".
Giám đốc Nhà hát kịch TP.HCM, ĐD Khánh Hoàng hồ hởi nói về những thay đổi trong cách làm kịch cho thiếu nhi khi thực hiện dự án: "Trẻ thơ có những suy nghĩ mà người lớn không bao giờ hình dung được. Trò chuyện, lắng nghe ý kiến của các em mới biết từ trước đến giờ, không ít người lớn vẫn dựng kịch cho thiếu nhi theo kiểu áp đặt, người lớn làm sao, trẻ con xem vậy. Chỉ khi vở diễn được dàn dựng dựa theo ý tưởng và nhu cầu của trẻ, trẻ mới dễ cảm nhận và hiểu hết những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm".
Các đại biểu đã đánh giá cao hoạt động của dự án. Ông Trần Phiêu, Phó giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Bình Phước cho biết: "Tiếng nói trẻ thơ là một dự án rất có ý nghĩa đối với trẻ em nghèo ở tỉnh Bình Phước. Nếu không có những buổi biểu diễn của dự án này, có lẽ nhiều trẻ em nghèo ở Bình Phước vẫn chưa có cơ hội được biết thế nào là một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp".
Sau khi xem một số vở diễn trong hai ngày diễn ra tọa đàm, ông Sengupta Rudraprasad đã phát biểu: "Tôi khâm phục khả năng biểu diễn của các bạn. Những vấn đề các bạn đặt ra trong các vở diễn rất gần gũi và mang hơi thở thời sự, liên quan đến những gì đang xảy ra hàng ngày trong cuộc sống". Ông cũng bày tỏ nguyện vọng được sử dụng một số kịch bản trong dự án để dàn dựng lại ở Ấn Độ.
Đại diện cho Quỹ hỗ trợ, bà Emma nhận xét: "Dự án Tiếng nói trẻ thơ ở Việt Nam thành công ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Các bạn khéo léo để một dự án quốc tế trở nên gần gũi và phù hợp với văn hóa, phong tục và đời sống của người Việt Nam. Nụ cười và nước mắt của các khán giả nhỏ tuổi xem biểu diễn đã đủ để chứng minh những thành công mà dự án đã đạt được".
Chương trình hỗ trợ của SIDA sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Việc tìm được nguồn tài trợ tiếp theo để duy trì dự án là một thách thức lớn cho những người thực hiện. "Nhà hát Kịch TP.HCM quyết tâm duy trì dự án. Cụ thể, trong năm 2010, dự án vẫn tiếp tục hoạt động, dù có hay chưa tìm được nhà tài trợ" - ĐD Khánh Hoàng khẳng định. Bà Emma cũng cho biết, bà sẵn sàng làm cầu nối, tìm kiếm và giới thiệu những nhà tài trợ khác để Việt Nam tiếp tục duy trì và phát triển dự án này.
Theo PNO