|
Đạo diễn Hoàng Duẩn giao lưu cùng khán giả nhí. |
Sau 3 năm thực hiện dự án "Tiếng nói trẻ thơ" (TNTT) dành cho trẻ em bị thiệt thòi, cho đến nay, đã có vài trăm ngàn khán giả nhí ở các mái ấm, nhà mở, vùng sâu vùng xa TPHCM và các tỉnh lân cận được xem kịch thiếu nhi mỗi năm.
Thế nhưng, vào năm 2010, nhà tài trợ chính là Quỹ phát triển và hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA) sẽ ngừng cấp kinh phí hoạt động.
Theo NH Kịch SKN, từ 2007-2009, đã có 100 diễn viên tham gia chương trình TNTT, phục vụ miễn phí gần 200 suất diễn cho 150.000 trẻ em ở TPHCM và các tỉnh lân cận (trong đó hơn 70% trẻ em nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt).
Trong 3 năm, có 10 kịch mục được dàn dựng, trong đó có một số vở có sức hút, như "Tiếng hát dòng sông", "Con trai con gái", "Sau cơn mưa", "Chung cư", "Về đâu", "Mơ"...
Còn NH Kịch TPHCM thì không chỉ diễn kịch nói, mà còn diễn cả kịch câm, kịch rối, rối cạn với những vở diễn nhiều suất như "Bay lên bóng ơi" (trẻ em và vấn đề bình đẳng giới), "Vì sao thuồng luồng hóa rồng" (sử dụng nghệ thuật rối đen diễn cùng diễn viên), "Hai đứa trẻ" (đề tài trẻ em bất hạnh, ảnh hưởng của hậu quả xã hội và sự thiếu quan tâm của người lớn).
NH đã thực hiện trên 300 suất diễn (kết hợp hình thức sân khấu diễn đàn) và diễn cho trên 160.000 trẻ em thiệt thòi.
Cả hai đơn vị hàng năm đều nhận được tài trợ từ Quỹ SIDA gần 700 triệu đồng/đơn vị để dựng vở.
"Chương trình được làm ra bởi chính thiếu nhi. Các em được xem những vở diễn dưới hình thức kịch, rối đen, rối que, rối tay mà vấn đề là những gì các em quan tâm, chứ không có sự áp đặt của người lớn... như một số chương trình sân khấu thiếu nhi khác" - đạo diễn trẻ Hoàng Duẩn nhìn nhận.
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn phân tích: Một cuộc phỏng vấn nhanh ở Làng thiếu niên Thủ Đức cuối năm ngoái cho thấy, nhiều nhu cầu của các em chưa được thỏa mãn. Các em thích chơi trò chơi vận động giải trí (80%), thích xem ca nhạc-kịch (74%), nghe nói chuyện về tâm lý (60%).
Kịch thiếu nhi mang lại những sức sống mới cho trẻ thiệt thòi, chính các em sẽ trưởng thành hơn khi tiếp nhận những giá trị sống, những chuẩn mực sống từ đó. Vở kịch có thể kết thúc nhưng cuộc đời các em sẽ mang màu sắc mới. Đó là màu sắc tươi sáng khi nhìn thấy động cơ để sống.
Cả hai NH đã mở rộng dự án đến nhiều địa điểm ở các quận, huyện vùng sâu, vùng xa và một số địa phương. Tuy nhiên, với 60 suất diễn/năm, dự án chỉ mới đáp ứng được phần nào nhu cầu của thiếu nhi. Hai cuộc tọa đàm đã kêu gọi một số nhà tài trợ góp sức để "TNTT" có sức vang xa hơn nữa.
Theo bà Emma Thompson - đại diện Hiệp hội Sân khấu quốc tế Thụy Điển (đơn vị mà SIDA thông qua triển khai dự án), năm 2004, dự án đã triển khai ở Ấn Độ, đến năm 2007 có mặt ở Trung Quốc, VN và Lào (thay vì 5 năm rút lại còn 3 năm).
Tại VN, có 3 nhà hát thực hiện, là NH Tuổi Trẻ, NH Kịch SKN và NH Kịch TPHCM. Đây là mô hình thành công cần nhân rộng hơn ở VN.
Theo LD