Đánh giá của Quỹ Nhi đồng LHQ cho thấy, Việt Nam là nước có những thành tựu vượt bậc trong việc giảm đói nghèo, đặc biệt là chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên khi nhìn vào những chỉ số về suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ và đói nghèo ở các gia đình thì còn nhiều việc phải làm.
Hai năm trở lại đây, các bộ ngành của Việt Nam với sự hỗ trợ của UNICEF và trường ĐH Maastricht (Hà Lan) đã triển khai một chương trình nghiên cứu xây dựng cách tiếp cận mới để đo lường và hiểu được vấn đề nghèo ở trẻ em, nhằm xây dựng những chính sách phù hợp hơn cho trẻ. Và theo cách tiếp cận này, nghèo ở trẻ em không chỉ dựa vào thu nhập thấp của hộ gia đình như chúng ta vẫn suy nghĩ lâu nay.
Theo quan niệm hiện nay, trẻ em nghèo ở nước ta vẫn được xác định bằng các tiêu chí về tiền tệ. Một đưa trẻ được coi là sống trong cảnh nghèo nếu gia đình em thu nhập dưới 1 USD/ngày. Tuy nhiên, cách hiểu này không tính đến nhu cầu của trẻ, những nhu cầu khác với của người lớn. Theo cách hiểu đa chiều mà nhiều nước đang áp dụng hiện nay, trẻ em có 8 nhu cầu cơ bản: y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh, giáo dục, nhà ở, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội. Một đứa trẻ được xác định là nghèo nếu như không được đáp ứng ít nhất 2 trong số 8 nhu cầu cơ bản nói trên.
Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại VN cho rằng: "Rất nhiều nước trên thế giới hiện đang áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều này để xác định nghèo ở trẻ em, bởi họ muốn hiểu về mọi khía cạnh nghèo đói trên đất nước của họ, từ đó mới đưa ra được những chính sách và chương trình phù hợp nhất. Trẻ em sống trong cảnh nghèo, khi lớn lên phần nhiều cũng sẽ nghèo. Vì thế, giảm nghèo trẻ em chính là cách giảm nghèo người lớn trong dài hạn".
Nếu tính theo phương thức tiếp cận mới này, ở Việt Nam, cứ 3 trẻ em lại có một em nghèo thay vì trên 10% người nghèo nói chung nếu tính dựa trên thu nhập. Nghiên cứu của Bộ LĐ TB-XH chỉ ra các lĩnh vực mà nhiều trẻ em thiếu thốn nhất là nước sạch và vệ sinh, giải trí và y tế. Dù mới đang được đưa ra thảo luận, cách hiểu đa chiều này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều Bộ ngành của Việt Nam, nơi mà những vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được chú trọng ưu tiên trong các chủ trương, chính sách.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: "Đây thực sự là một cách tiếp cận rất hay và khoa học. Nếu nhìn lại thì có thể thấy, không phải chúng ta chưa có các chính sách về vấn đề này, tuy nhiên, những chính sách này đang phân tán ở rất nhiều bộ ngành. Vì vậy, với cách hiểu này, chúng ta nên quy tụ những chính sách đó về một mối chung để phục vụ mục đích giảm nghèo ở trẻ".
Giảm nghèo trẻ em trong ngắn hạn là giảm nghèo người lớn trong dài hạn. Sử dụng kết hợp cả hai phương pháp tiếp cận đa chiều và thu nhập để đo lường nghèo ở trẻ em sẽ đảm bảo để các chính sách và chương trình bao phủ trẻ em nghèo một cách toàn diện nhất. Việc nghiên cứu áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều này cũng thể hiện sự tham gia tích cực với các công ước quốc tế của Việt Nam, trong đó có công ước Quyền trẻ em.
Theo Báo Tuổi Trẻ