Bà Lương Thị Hạnh - phó Phòng GD- ĐT huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, một trong bảy huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa - cho biết hiện trên địa bàn huyện có 84 giáo viên mầm non được nhận lương là lúa, ngô do phụ huynh đóng góp.
Một lớp học mầm non tại khu lẻ ở huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Các giáo viên này chỉ được hưởng mức phụ cấp hằng tháng của địa phương rất bấp bênh. Cũng theo bà Hạnh, mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non ký hợp đồng với chính quyền địa phương theo yêu cầu của chủ tịch UBND huyện Quan Sơn tối thiểu được 650.000 đồng/giáo viên/tháng từ ngân sách xã.
Tuy nhiên, hầu hết các xã của huyện đều là xã nghèo, nguồn ngân sách rất eo hẹp, chủ yếu chờ hỗ trợ của cấp trên. Vì vậy nguồn kinh phí để trả lương cho số 84 giáo viên này đều phải huy động từ sự đóng góp của phụ huynh các cháu mầm non. Phần lớn phụ huynh không có tiền mặt, nên thường đóng góp hỗ trợ giáo viên bằng lúa, ngô theo mùa vụ.
Ngoài ra, hiện tại huyện Quan Sơn có 125 giáo viên mầm non đang được hưởng mức lương 730.000 đồng/tháng đối với giáo viên ở các xã đặc biệt khó khăn, 700.000 đồng/tháng đối với giáo viên ở thị trấn. Trong khi đó, số giáo viên này phải đóng BHXH, BHYT tự nguyện nên thu nhập chỉ còn hơn 500.000 đồng/tháng.
Hiện Quan Sơn có 311 giáo viên mầm non (chỉ có 92 giáo viên, chủ yếu là bộ phận quản lý được hưởng lương theo ngạch biên chế), đang dạy học tại 13 trường học khu chính ở 13 xã, thị trấn của huyện và tại 88 lớp khu lẻ ở 88 bản làng xa xôi. Toàn bộ số giáo viên này đã đạt chuẩn và trên chuẩn.
Tất cả các trường học, lớp học khu lẻ ở Quan Sơn đều tổ chức học hai buổi theo đúng quy định của Bộ GD- ĐT.
Theo Tuổi Trẻ