Đó là thông tin do ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Tân Bình - TPHCM. Ảnh: N. HỮU
* Phóng viên: Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư mới, đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm kết hợp với nhận xét, liệu đây có phải là cách tối ưu chưa, thưa ông?
- Ông Lê Ngọc Điệp: Đánh giá học sinh bằng điểm số là chưa đầy đủ. Có thể hai học sinh cùng kiểm tra được 7 điểm nhưng đối với em này là sự thụt lùi; với em kia là sự nỗ lực, tiến bộ. Vì vậy, thông tư quy định đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét sẽ có cái nhìn toàn diện hơn đối với học sinh và giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng. Thông tư mới là sự tiếp nối và hoàn chỉnh hơn Quyết định 30 (ngày 30-9-2005) về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Trước đây, việc đánh giá và xếp loại học sinh rất chung chung nhưng nay bổ sung cụ thể hơn.
* Như vậy, cách đánh giá mới có gì đáng chú ý?
- Điểm nổi bật của thông tư này là khuyến khích học sinh học tập chuyên cần, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh. Đồng thời, xây dựng niềm tin, rèn luyện đạo đức theo truyền thống Việt Nam. Một điểm khác nữa là nguyên tắc đánh giá, xếp loại có kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh. Nhiệm vụ của học sinh cũng được bổ sung và cụ thể hơn thể hiện ở chỗ hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo, nhân viên và người lớn tuổi...
Cách đánh giá và xếp loại tại thông tư này chú ý đến quá trình tiến bộ của học sinh và đánh giá cuối năm là quan trọng nhất. Việc cho điểm kết hợp với nhận xét cho biết học sinh yếu, mạnh ở điểm nào và cũng nhấn mạnh không dùng những từ ngữ gây tổn thương học sinh mà chỉ ra những chỗ yếu để học sinh cố gắng.
* Thưa ông, vì sao đánh giá cuối năm lại quan trọng nhất?
- Một điểm rất mới của thông tư này là lấy điểm kiểm tra cuối năm làm điểm xét lên lớp và xét hoàn thành bậc tiểu học (trước đây là điểm trung bình cộng kết quả học kỳ 1 và 2). Về mặt sư phạm, kiến thức học kỳ 2 cao hơn học kỳ 1, thông tư này chỉ chấp nhận sự tiến bộ chứ không chấp nhận sự thụt lùi. Ví dụ, kết quả học tập học kỳ 1 của học sinh là 3 hoặc 7 điểm, học kỳ 2 là 7 hoặc 3 điểm. Theo cách đánh giá cũ thì điểm cuối năm sẽ là 3 + 7/2 hoặc 7+3/2 = 5. Nay thì tính khác, nếu học kỳ 1 học sinh được 3 nhưng học kỳ 2 là 7 thì học sinh có sự tiến bộ và được xét lên lớp, nếu cuối năm là 3 thì đó là sự thụt lùi, không thể chấp nhận được.
* Liệu việc giáo viên đánh giá học sinh bằng nhận xét có khách quan không? Có cách nào để kiểm soát việc này?
- Giáo viên dựa vào những căn cứ trong tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để đánh giá học sinh. Ngoài ra, giáo viên được trang bị, hướng dẫn, tập huấn việc đánh giá học sinh và ngành giáo dục tin tưởng vào giáo viên. Tất nhiên, ngành có tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.
* Ông còn băn khoăn gì với cách đánh giá mới này?
- Tại TPHCM, quan điểm của Sở GD-ĐT là học kỳ 1 ở lớp 1 chỉ đánh giá bằng nhận xét chứ không cho điểm ở bất cứ môn nào vì có học sinh được học trước chương trình, có em mới bắt đầu... Điều này không đi ngược lại thông tư (vì lấy kết quả đánh giá cuối năm làm kết quả xét lên lớp) nên Sở GD-ĐT TP sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT cho triển khai. Với việc thực hiện chủ trương này, tôi nghĩ rằng phụ huynh sẽ không còn áp lực cho con học chữ trước khi vào lớp 1.
Theo Báo Người Lao Động