Hầu hết các loại virus dễ tấn công tế bào gan đều có thể lây từ mẹ sang con. Trong đó, viêm gan B có mức độ lây cao hơn nhiều lần so với viêm gan C và HIV, nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ..
HIV và viêm gan C cũng lây theo đường mẹ-con nhưng mức độ rất thấp so với viêm gan B mặc dù cả ba đều có cùng đặc điểm dịch tễ học và lâm sàng. Khác biệt này có thể do mỗi biến thể virus có nơi “cư ngụ” chọn lọc riêng như tinh dịch, máu, dịch âm đạo hoặc trong tế bào. Một số biến thể của virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) có những kiểu tồn tại trong cơ thể cũng như cách loại bỏ ra khỏi dịch tiết khác nhau.
Lây nhiễm viêm gan A
Mức độ lây nhiễm do tiếp xúc với phân trong lúc chuyển dạ rất thấp vì thời gian bài tiết virus trong giai đoạn này thường ngắn. Virus viêm gan A tồn tại suốt thai kỳ, lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc với phân của người mẹ mắc bệnh, thường gặp vào ba tháng cuối của thai kỳ hay ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh dễ nhiễm bệnh từ mẹ.
Điều trị dự phòng viêm gan A cho trẻ sơ sinh bằng Immunoglobulin là không cần thiết vì bệnh thường nhẹ và có miễn dịch suốt đời. Ở một số nước phương Tây, dịch viêm gan A có thể xảy ra ở các phòng cấp cứu trẻ sơ sinh, hiếm hơn có thể lây nhiễm qua máu và các loại huyết phẩm. Viêm gan siêu vi A có thể gây suy gan cấp với biến chứng nhiễm trùng và tổn thương đa phủ tạng.
Lây nhiễm viêm gan B
Tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B theo đường dọc từ mẹ sang con rất cao, cao nhất vào ba tháng cuối của thai kỳ. Một nghiên cứu tại California (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ bị viêm gan B cấp sang trẻ sơ sinh vào ba tháng đầu rất thấp, chỉ 0,6%. Tỷ lệ này tăng vọt lên 67% ở 3 tháng giữa và 100% ở ba tháng cuối hoặc muộn hơn. Các bà mẹ mang HBsAg (+) kèm theo HBV-DNA trong huyết thanh (+) vào thời điểm chuyển dạ gần như chắc chắn lây nhiễm cho con (khoảng 95%). Nếu người mẹ mang mầm bệnh mạn tính, nguy cơ lây nhiễm cho con là khoảng 40%.
Lây nhiễm viêm gan C
Thông thường nguy cơ lây nhiễm HCV không cao bằng HBV. Nếu người mẹ bị viêm gan C mạn tính với nồng độ HCV trong máu vào khoảng < 106/ml, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con thay đổi từ 0 đến 18%. Nhưng nếu người mẹ nhiễm đồng thời HCV và HIV thì tỷ lệ này sẽ cao hơn, từ 6 đến 36%.
Lây nhiễm các loại viêm gan virus khác
Virus nhóm Herpes có thể lây truyền qua đường máu, qua nhau thai hoặc từ dịch tiết âm đạo, vết loét bị nhiễm trùng vào lúc sinh. Nếu sơ sinh bị lây truyền Herpes từ bà mẹ nhiễm trùng không triệu chứng, trẻ có thể bị nhiễm trùng lan rộng và trầm trọng.
Trong một số trường hợp, suy gan cấp được ghi nhận ở trẻ sơ sinh có thể do Herpes simplex virus, đặc biệt là do HSV-2, kế đến là VZV, CMV và HHV-6.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)