Dọa nạt, mắng mỏ, chọc ghẹo, trêu đùa, dè bỉu... có thể gây ra những phản ứng tiêu cực nếu trẻ không được giáo dục về khả năng kiềm chế. Đã có một học sinh chém bạn chết chỉ vì bị bạn nhại giọng địa phương. Rất nhiều biểu hiện bạo lực ở học đường đều xuất phát từ nguyên nhân bị bắt nạt.
Trẻ bị bắt nạt thường xuyên hay bị ức hiếp, hành hạ về thể chất và tinh thần sẽ dẫn đến bị loạn thần kinh (hoang tưởng, bị ám ảnh...).
Trẻ bị người lớn bắt nạt
Chỉ vì muốn con học giỏi, viết chữ đẹp nên mỗi lần hướng dẫn con học bài, chị Hà An (ở Bình Dương) lại chuẩn bị sẵn cây roi.Chữ nào viết không rõ hay bài toán nào sai chị liền vừa mắng vừa khẻ tay con. Chị giải thích, làm vậy để cháu nhớ và tập trung học. Chị đã không hiểu, chính biện pháp bắt nạt, hành hạ đó đã khiến bé càng sao nhãng việc học, chỉ tập trung xem mẹ có đánh mình hay không.
Không ít ông bố bà mẹ quan niệm như chị Hà An: không dọa nạt, mắng mỏ thì rất khó giáo dục con cái. Trong một cuộc điều tra với 50 phụ huynh, 100% số người được phỏng vấn đều thừa nhận là đã từng bắt nạt con, buộc chúng nghe theo mình. Mâu thuẫn là tất cả những người được trao đổi đều khẳng định trong quá khứ đã từng bị bố mẹ hoặc người lớn mắng mỏ, hành hạ.
Ai cũng biết bị bắt nạt là rất ức chế và luôn muốn làm điều ngược lại để chống đối. Tâm lý con trẻ thời nay cũng vậy, các em muốn được nghe những lời nhắc nhở, dạy bảo dịu dàng, nhẹ nhàng từ người lớn. Đồng thời, các em cũng muốn được tự lập, khẳng định mình. Không phải cứ bắt nạt thì trẻ mới thực hiện. Vì vậy, khi người lớn quá lạm dụng biện pháp bắt nạt để dạy trẻ thì hệ lụy kéo theo sẽ rất lớn. Ban đầu là bị ức chế, làm vì bị bắt buộc. Dần dần thì trở nên chai lỳ, nếu bố mẹ không dọa nạt, áp đặt nhiệm vụ thì các em sẽ không tự giác. Tính tự ti và tự phụ vì thế cũng hình thành ở trẻ một cách tự phát, khi vào đời, những nét tính cách này sẽ khiến trẻ khó hòa nhập với cộng đồng. Không chỉ ở gia đình, ở nhà trường đây đó vẫn còn có giáo viên vì muốn đạt được mục đích trước mắt (giữ lớp trật tự, muốn học sinh răm rắp làm theo lời thầy cô...) đã xem bắt nạt, dọa dẫm như là biện pháp tối ưu. Thậm chí, có trường hợp giáo viên đánh đập hoặc bắt học sinh phải thụt đầu mấy trăm cái chỉ vì không vâng lời mình. Hậu quả là học sinh chỉ "bằng mặt mà không bằng lòng", các em bị ức chế, nên học tập, rèn luyện không hiệu quả.
Bạn bè cũng là "thủ phạm"
Trong các mối quan hệ với mọi người, con trẻ quan tâm nhất là quan hệ với bạn bè. Sự thừa nhận của bạn bè cùng lớp là biểu hiện của sự phát triển nhân cách bình thường ở trẻ. Vì thế, khi không gia nhập được với các nhóm bạn, hoặc bị các bạn trêu đùa, bắt nạt, các em thường có những biểu hiện bị rối nhiễu tâm lý.
Bị bắt nạt bởi bạn bè sẽ khiến trẻ rất tự ti, mặc cảm về nhược điểm của mình. Hầu hết những em đã và đang chịu sự bắt nạt, dè bỉu của bạn bè thường có xu hướng rụt rè, nhút nhát hoặc rất bướng bỉnh, có những hành vi bất thường, tức thời không kiểm soát được, thậm chí có xu hướng bạo lực để tự vệ. Hiện tượng học sinh đánh nhau cũng xuất phát từ nguyên nhân không muốn bị bạn bắt nạt, chế giễu.
Làm gì khi trẻ bị bắt nạt?
Phụ huynh cũng như giáo viên nên quan tâm đến sinh hoạt ở trường của con em, để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn tình trạng con trẻ bị bắt nạt nhằm tránh hậu quả có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý sau này của trẻ.
Những bậc phụ huynh đã từng sử dụng biện pháp bắt nạt để dạy dỗ con cái thì cần suy ngẫm thật kỹ về hậu quả của nó để hạn chế đến mức tối thiểu. Vẫn biết mọi biện pháp giáo dục con cái mà bố mẹ thực hiện đều nhằm mục đích cuối cùng là muốn con nên người, nhưng bắt nạt, ép buộc con trẻ chỉ đem lại kết quả tức thời, mà tác động ngược của nó sẽ để lại nhiều hậu quả xấu.
Đối với giáo viên, cần phải gần gũi, quan tâm hơn nữa đến học sinh, lắng nghe những tâm tự nguyện vọng của trẻ, đừng vì lợi ích trước mắt của bản thân mà bắt nạt, áp đặt trẻ. Giáo viên dạy ở bậc phổ thông có điều kiện thuận lợi hơn phụ huynh vì được trang bị kiến thức tâm lý lứa tuổi học sinh. Đó chính là cơ sở để xây dựng những biện pháp giáo dục trẻ vừa hiệu quả vừa đậm tình người.
Nguyễn Văn Công (giảng viên tâm lý học)
Nguồn: Phụ nữ