Các nhà nghiên cứu của trường ĐH Bristol đã làm một cuộc khảo sát về sự vận động và di chuyển của các em nhỏ, trong đó có sử dụng công nghệ GPS.
Ngoài ra, họ cũng có bảng câu hỏi dành cho các em học sinh ở độ tuổi từ 10 đến 11 thuộc 23 trường học khác nhau. Trong bảng câu hỏi này các em phải trả lời những câu hỏi liên quan đến sự tự do, ví dụ như em có bao nhiêu thời gian ở bên ngoài mà không chịu sự giám sát của bố mẹ?
Các em tham gia cuộc khảo sát trả lời các câu hỏi liên quan đến công việc hoạt động hàng ngày của mình theo tần suất tăng dần từ không bao giờ, thỉnh thoảng, thường xuyên và luôn luôn.
Những hoạt động di chuyển của các em ở độ tuổi này thường là đến cửa hàng mua sắm địa phương, đến trung tâm mua sắm lớn, đi công viên hoặc đến sân vận động, đi bơi, đi thư viện, xem phim ở rạp, đến trường, đến nhà bạn...
Sau nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, các em, cả gái lẫn trai nếu được nhiều thời gian tự do hoạt động di chuyển, không chịu sự giám sát của bố mẹ thì thường năng động hơn trong các công việc hàng ngày so với những em cùng trang lứa nhưng luôn chịu dưới con mắt soi quản của bố mẹ.
Tiến sỹ Ashley Cooper, một trong những nhà nghiên cứu tham gia cuộc khảo sát nhận định: "Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra sự tự do cũng có liên quan đến độ tích cực trong vận động của trẻ. Những đứa trẻ có nhiều thời gian chủ động vận động, không chịu giám sát của bố mẹ vẫn chứng tỏ sự năng động hơn.
Nghiên cứu cũng gợi ý cho các bậc cha mẹ rằng nên để con mình có thời gian độc lập khi di chuyển bên ngoài bởi điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến thể chất cũng như có tác động đến sức khoẻ của trẻ.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng cha mẹ luôn có những lý do riêng để lo lắng khi con mình ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Cha mẹ lo con mình không được an toàn nếu dời tầm ngắm và dời vòng tay của bố mẹ.
Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, các bậc phụ huynh cần cân nhắc để có sự cân bằng trong cách quản lý còn mình. Bên cạnh sự quan tâm, lo lắng, cha mẹ cũng cần cho con cái quyền được tự do để con có thể tự phát triển được và cũng giúp trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn trong giao tiếp xã hội".
Theo afamily