Có những câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt. Buổi sáng, bé 3 tuổi háo hức đến trường mầm non, bước vào cửa lớp, bé khoanh tay chào cô, đón bé là một cô giáo không còn quá trẻ, có vẻ như đang mải tập trung vào việc khác nên đáp lại câu chào lễ phép cùng với cử chỉ dễ thương của bé là một sự im lặng với không một nụ cười.
Bé hụt hẫng, đương nhiên, nhưng bé nghĩ chắc vì sáng nay cô chưa nghe thấy tiếng chào của bé. Thế nên, ngày hôm sau bé cố gắng chào to hơn. Đáp lại bé chỉ là cái gật đầu, vẫn không một nụ cười.
Đã từng nghe có cô giáo tâm sự: một lớp 60-70 đứa, chỉ riêng việc sáng nào cũng phải đáp lại lời chào của từng đứa, hỏi han vài câu đã đủ... mệt.
Có lẽ để chống... mệt nên các cô quyết định: chào là việc của trò, còn có đáp lại hay không là việc của cô.
Lại nữa, trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học vốn hay mách cô, bất cứ chuyện gì trong lớp khiến trẻ cảm thấy không hài lòng trẻ đều "thưa cô...". Nếu cô giáo nào hiểu được tâm lý này của con trẻ thì sẽ có cách nào đó hòa giải hoặc làm đứa trẻ cảm thấy được xoa dịu và thiết lập lại được trật tự trong lớp học (điều này hiển nhiên là trường sư phạm nào cũng có hẳn một môn học về ứng xử tình huống trong lớp học để trang bị cho giáo viên trước khi vào nghề) thế nhưng lại rất ít cô làm được điều này. Thay vào đó, để dẹp yên lớp học, các cô thường quát: nếu còn mách, tôi sẽ phạt tất cả.
Một cô bé học lớp 1 về phụng phịu kể với mẹ: mẹ ơi, cô giáo con hay nói: "ngậm cái mồm vào" mỗi khi trong lớp có bạn nói chuyện.
Đành rằng, quản lý một lớp học tới 50 - 60 đứa trẻ đang ở lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm và non nớt là việc làm cực kỳ vất vả. Thế nhưng, nếu những người được mệnh danh là "người mẹ thứ hai" cứ áp dụng một phương thức mang tính "quân phiệt" và lựa chọn một cách nói mang tính đe nẹt để giải quyết vấn đề thì có thể sẽ mang lại hiệu quả tức thì nhưng hết ngày này sang ngày khác chắc chắn sẽ làm tổn thương tới tâm lý non nớt của trẻ.
Ngành giáo dục đang bắt tay vào việc đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường. Tất cả những hành động bạo lực trong trường học giữa học sinh với học sinh, những vụ tự tử vì lý do rất bồng bột, nông nổi... đều được quy kết là do trẻ thiếu kỹ năng sống. Thế nhưng không thấy ngành giáo dục nhắc đến chuyện chính người lớn mà cụ thể là các thầy cô giáo phải là một tấm gương về điều này.
Ngành giáo dục cũng nói rằng đang ráo riết xây dựng tài liệu dành riêng cho môn học kỹ năng sống để đưa vào giảng dạy trong nhà trường nay mai. Tuy nhiên, bài học thiết thực và sống động nhất về kỹ năng sống lại chính là những gì mỗi đứa trẻ nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy hằng ngày từ môi trường sống của chúng. Sẽ không có bất cứ bài học nào dù được soạn giảng công phu tới đâu có ý nghĩa hơn những điều mà chúng được chứng kiến thầy cô và cha mẹ "thực hành" hằng ngày.
Bởi vậy, có lẽ trước hết cả người lớn cũng cần phải được trang bị kỹ năng sống.
Theo Thanh Niên