Con bạn thích dùng tay hơn lời nói khi muốn diễn đạt điều gì? Hãy cảnh giác!
Bạn hạnh phúc đến nghẹt thở khi nghe con bi bô từ đầu tiên, nhưng đó là chuyện của hơn một năm trước. Bây giờ, bạn lo lắng vì thiên thần nhỏ chẳng chịu nói nhiều như bạn bè đồng trang lứa. Bé không cho bạn cơ hội để đau đầu với những câu hỏi tại sao, tại sao và tại sao.
Khả năng không thể bỏ qua là con của bạn đã mắc chứng chậm nói. Bạn biết gì về vấn đề này? Những thông tin sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng chậm nói ở trẻ.
Ngoài mất thính lực bẩm sinh, những nguyên nhân nào có thể khiến trẻ chậm nói?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói. Nguyên nhân đầu tiên là do trẻ bị mất thính lực từ lúc mới sinh. Đó có thể là hậu quả của việc bào thai bị suy dinh dưỡng, do di truyền và cũng có những trường hợp trẻ mất thính lực không rõ nguyên nhân.
Thứ hai, những bé chậm phát triển cũng có khả năng chậm nói. Đó là những bé khó thích ứng với những kỹ năng dành cho lứa tuổi của mình. Cuối cùng, bé chậm nói do không được chăm sóc đầy đủ về mặt sức khỏe lẫn tinh thần, chẳng hạn như thiếu dinh dưỡng, không được gia đình chăm sóc đầy đủ và đúng cách, bị ngược đãi, lạm dụng.
Làm cách nào để đánh giá một đứa trẻ có chậm nói hay không?
Để nhận biết trẻ có chậm nói hay không, chúng ta dựa vào những cột mốc phát triển nhất định. Chẳng hạn như trước 12 tháng tuổi, bé bắt đầu bập bẹ một vài từ, phản ứng với những đồ vật phát ra âm thanh.
Đến 15 tháng tuổi, trẻ có thể phát âm và nói đúng một vài từ, hiểu được một vài chỉ dẫn đơn giản từ người lớn. Đến 24 tháng, bé có thể nói câu đơn giản gồm hai từ, thực hiện được hai chỉ dẫn một lúc.
Từ 2 đến 3 tuổi, bé làm chủ được một vốn từ tương đối, khả năng nghe hiểu cũng khá cao.
Quan sát là cách tốt nhất để phát hiện trẻ có chậm nói hay không. Bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu như khi 12 tháng, bé không biết sử dụng ngôn ngữ cử chỉ như chỉ trỏ, vẫy tay chào. Đến 18 tháng, bé thích dùng tay chỉ trỏ hơn diễn đạt bằng lời nói, gặp khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản, không bắt chước được âm thanh của những thứ gần gũi với cuộc sống.
Tôi được biết chậm nói có liên quan đến những bệnh khác ở trẻ, điều đó có đúng không?
Chậm nói được chia thành hai loại, chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ. Chậm nói đơn thuần ở trẻ do rối loạn trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Trẻ tự kỉ thường chậm nói, không hiểu ngôn ngữ, sống trong một thế giới riêng, tách biệt với thế giới xung quanh.
Chậm nói cũng là dấu hiệu của bệnh tự kỉ, chậm phát triển, sức khỏe kém...Nếu nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám để phát hiện và chữa trị sớm.
Việc điều trị cho trẻ chậm nói có kéo dài không? Có phải châm cứu có thể chữa được chứng chậm nói ở trẻ?
Thời gian điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu từ gia đình. Cách tốt nhất là thường xuyên nói chuyện với bé, tạo cơ hội cho bé tiếp xúc với thế giới xung quanh. Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý sẽ có biện pháp khuyến khích bé nói.
Việc điều trị chứng chậm nói bằng châm cứu chỉ áp dụng trong những trường hợp trẻ chậm nói do thể chất yếu. Tuy nhiên, việc xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với châm cứu chỉ nhằm tăng hiệu quả điều trị cho trẻ.
Theo mevabe