Clarence Budington Kellan đã từng nói: "Cha tôi không dạy cho tôi phải sống như thế nào. Ông sống cuộc đời của mình và để cho tôi nhìn vào đó".
Dường như ông bố nào cũng lo lắng khi làm cha, bởi vì họ phải "đương đầu với thử thách" khi muốn trở thành một tấm gương mẫu mực cho con cái mình. Tất nhiên, để có thể trở thành một ông bố hoàn hảo trong mắt lũ trẻ không phải là điều đơn giản, và nó đòi hỏi một thái độ thực sự nghiêm túc.
Hãy luôn là tấm gương cho con
Lũ trẻ không bỏ qua bất kỳ một cử chỉ nhỏ nào của người lớn. Chúng theo dõi và bắt chước lại những gì chúng nhìn thấy. Vì vậy, có phải là người cha tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn sử dụng những hành vi, thái độ như thế nào trong cuộc sống. Nếu bạn không muốn một ngày nào đó phải giật mình khi nhận ra hành vi sai trái của con là sự "kế thừa" từ bạn, hãy sửa mình ngay từ hôm nay.
Quan sát hành vi: Giống như mọi khía cạnh khác trong quá trình làm cha mẹ, việc tạo nên một hình mẫu không cho phép có bất kỳ sự khiên cưỡng nào. Một câu thành ngữ từng nói "Hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm" chỉ là một lời biện hộ không thuyết phục, bởi những gì người ta nhìn bằng trực quan sinh động chắc chắn gây nên ấn tượng tốt hơn và đó là bài học dễ nhất để bắt chước và làm theo.
Lời nói: Cha mẹ có thể trao đổi với nhau bằng những ngôn từ mà con trẻ không hiểu hết được ý nghĩa. Tuy nhiên, họ không thể cấm chúng bắt chước lại những từ ngữ đó. Có thể đó là khi bạn nóng giận, buồn bã với những ngữ điệu không hay cho lắm và thật là tai hại nếu lũ trẻ cứ thế mà áp dụng trong những trường hợp khác. Dễ lắm chứ.
Hành động: Con trẻ luôn luôn để mắt quan sát cha mẹ và bắt chước lại bằng cái cách mà có khi bạn không thể tưởng tượng ra được. Điều này không có nghĩa là chúng cũng ngủ nướng vào những ngày cuối tuần, hay chơi những trò điện tử suốt ngày giống như bạn. Những thói quen xấu này sẽ ghi lại những hình ảnh và tạo nên một thói quen không tốt cho lũ trẻ trong tương lai.
Bạn bè: Những người bạn của cha mẹ hiện diện trong ngôi nhà của bạn cũng là những tấm gương cho lũ trẻ bắt chước. Vậy hãy cùng với những người bạn của mình cư xử sao cho đúng mực để con cái có thể học hỏi những cái tốt trong mối quan hệ với bạn bè, người thân.
Cách xưng hô: Nhiều cha mẹ thường có thói quen gọi con bằng mày và xưng tao. Thói quen này dường như đã nằm ở cửa miệng của họ, lúc nào cũng sẵn sàng bật ra. Việc gọi mày, xưng tao với con khá phổ biến trong một số gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Điều này khiến trẻ không nhận thức được phép lịch sự trong cách xưng hô ngoài xã hội. Ngoài ra, cách xưng hô trên có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái khi trẻ bắt đầu có nhận thức.
Thói quen giữ lời hứa: Vì nhiều lý do, bạn về nhà trễ, không thể thực hiện lời hứa dẫn con đi chơi, xem phim... Việc đó không chỉ làm trẻ tủi thân và có cảm giác bị bỏ rơi mà còn khiến trẻ không học được cách giữ chữ tín, không biết cách sắp xếp và quý trọng thời gian. Thói quen này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ làm việc theo cảm hứng, thường xuyên dùng giờ "cao su".
Việc tập cho con thói quen đúng giờ khi hẹn với ai đó, tôn trọng thời gian biểu của mình và người khác là điều cần thiết. Muốn vậy, bố mẹ hãy là tấm gương về việc tuân thủ giờ giấc, giữ chữ tín trong các cuộc hẹn với con, người thân và các mối quan hệ xã hội khác. Nếu không thể tránh được việc trễ hẹn với con, bạn cần gọi điện nói cho bé biết. Đừng quên nêu lý do thật rõ ràng để trẻ hiểu và thông cảm với bạn.
Tất nhiên, làm cha không có nghĩa là mọi thứ bạn làm đều phải cực kỳ hoàn hảo. Nhiệm vụ của bạn là chỉ bảo cho trẻ thấy đâu là đúng, đâu là sai thông qua những trải nghiệm đã có của mình. Và nếu được, hãy là một tấm gương tốt cho con bạn noi theo. Hãy nhớ là: Dù muốn hay không, bạn vẫn là một hình mẫu cho con cái sau này.
Theo Tin Tức