Hướng dẫn bé quan sát con nhện chăng tơ, cách di chuyển của những loài vật như chó, mèo hay ghi lại quá trình một chú sâu hóa thành bướm như thế nào... sẽ giúp trẻ hiểu hơn về thế giới động vật.
Có rất nhiều thứ xung quanh, bạn có thể chỉ cho bé xem, từ đó giải thích để bé hiểu trên sơ sở khoa học. Trang Childdevelopmeninfo đưa một số cách giúp bạn dạy bé về những kiến thức khoa học:
Cây cối
Bạn có thể mua những túi hạt cây hoặc rau và sau đó cùng bé gieo hạt và quan sát xem chúng lớn như thế nào. Qua cách này, bé sẽ biết tên của nhiều loại cây và hoa khác nhau, biết tiết kiệm thức ăn thừa để làm phân bón cây, quan sát những nụ hoa khi chúng nở. Bé cũng có thể giúp bạn chăm sóc cây và vườn hoa.
Thời tiết
Bạn có thể dạy bé về những kiểu thời tiết khác nhau bằng cách chỉ cho con xem những bản tin dự báo thời tiết trên TV hoặc báo, xem bản đồ có ghi chú thời tiết các khu vực, so sánh những vùng khí hậu khác nhau. Bạn cũng có thể hướng dẫn bé quan sát bầu trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày, cho bé chơi diều, ngắm cầu vồng, quan sát hiện tượng sấm chớp...
Đặc tính vật lý và hóa học
Bạn có thể cùng con làm những thí nghiệm đơn giản như: cái gì sẽ chìm hoặc nổi trong một chậu nước, đặc điểm tự nhiên của chúng là gì và phân loại chúng, quan sát xem sau bao lâu thì đá tan thành nước, cân bằng đồ vật trên ván bập bênh. Bé cũng sẽ học được cách phân biệt các vị khi nếm thử từng loại thức ăn. Ngoài ra, bạn có thể dạy bé cách tạo bong bóng và một số dụng cụ âm nhạc đơn giản...
Trái đất và vũ trụ
Bạn có thể dạy bé tên những vật liệu khác nhau để xây nhà, cách đọc bản đồ hay cùng trẻ làm những mô hình ô tô, máy bay. Nếu có điều kiện, cả nhà có thể đi leo núi và chỉ cho bé cách quan sát cách mặt trời và mặt trăng đi ngang qua bầu trời, xem mặt trời mọc và lặn. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ theo dõi cả quá trình phóng tên lửa, vệ tinh hoặc hướng dẫn con vẽ một biểu đồ về sự thay đổi hình dạng của mặt trăng theo từng tháng, ngắm nhìn những vì sao khi đưa bé đến một nơi cách xa những ánh đèn đường phố.
Năng lượng
Bạn hãy để bé thử tắt, bật các đồ điện trong nhà rồi quan sát xem đồng hồ điện thay đổi như thế nào. Bố cũng có thể chỉ cho bé cách tái chế kim loại, giấy, dẫn bé đi thăm một khu chuyên tái chế, dạy bé cách sử dụng các đồ điện trong bếp, phòng tắm và xưởng làm việc. Ngoài ra, bạn cứ để bé tháo rời những đồ dùng đã hỏng, tìm xem mọi vật hoạt động như thế nào hay một quả bóng sẽ lăn được bao xa...
Theo vnexpress.net