Thạc sĩ Tâm lý (ĐHKHXH&NV Hà Nội) Trần Thành Nam cho biết: những biểu hiện "sốc' ban đầu và thông thường nhất của trẻ mới bước vào lớp 1 như: Trẻ hay khóc, hay làm nũng khi cha mẹ đưa đi học, nôn ói và biếng ăn khi cho trẻ ăn.
Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng. Ảnh: Bích Ngọc
Trong thời gian đầu, có nhiều trẻ sẽ bị sút cân. Trẻ còn còn rất ám ảnh việc phải xa bố mẹ, và các dấu hiệu như tiểu dầm, nhịn tiểu, nhịn ăn...
Có nhiều em sẽ ăn vạ và quấy rối ở trong lớp học, không chịu nghe lời cô giáo để mọi người trong lớp ghét. Như vậy, bé nghĩ mình sẽ được tự do và được trở về nhà với bố mẹ. Ở mức độ "sốc" cao hơn, trẻ có thể giả vờ đau bụng và dần dần nó trở thành thói quen, và trở thành bệnh lí rất khó chữa.
Lý giải cho hiện tượng này, Tiến sĩ Dương Thị Diệu Hoa - Trưởng bộ môn Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm, khoa Tâm lý - giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng trẻ sẽ gặp khó khăn khi chuyển từ tuổi mẫu giáo sang tuổi tiểu học, vì các hoạt động của trẻ sẽ chuyển: từ vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo.
Có thể nói, từ lúc trẻ chưa biết đọc, viết đến biết là một bước ngoặt rất lớn đối với một đứa trẻ.
Ba "chướng ngại vật" chính của bé
Một là trẻ phải chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường. Khi ngồi trong lớp, trẻ phải tuân thủ khoảng thời gian nhất định, 30 - 35 phút mới được ra chơi, phải làm theo những lời cô dạy...
Khó khăn thứ hai là trẻ phải thiết lập quan hệ với thầy cô giáo, bạn bè, anh chị lớp trên. Ở mẫu giáo, việc này cũng có, nhưng quan hệ mẫu giáo là quan hệ giữa cô và mẹ, mẹ và cháu là các con thân thiết. Các con khóc, cô có thể ngồi ôm cháu vào lòng, hát cho cháu nghe, các bạn khác tự chơi được, nhưng ở trường tiểu học thì phải ngồi trật tự hơn, tự giác hơn.
Ở cấp tiểu học, khoảng cách tâm lý giữa cô và trò cũng lớn hơn. Thầy cô dù yêu thương trẻ đến mấy cũng phải đánh giá, nhận xét và cho điểm các em. Khi đó, trẻ thường sợ cô giáo hơn. Hai khó khăn trên có thể xuất hiện ngay từ đầu khi trẻ bước vào lớp 1.
Khó khăn thứ ba thường chỉ xuất hiện vào giữa học kỳ một. Đó chính việc tiếp thu nội dung các môn học. Trẻ phải học nhiều môn tất nhiên sẽ khó hơn khó, buộc trẻ phải tiếp thu, lĩnh hội.
Nhiều khi năng lực tiếp thu của trẻ hạn chế hoặc không có gốc để tiếp thu khiến trẻ chán học.
Trong khi, chương trình lớp 1 của chúng ta nặng hơn trước rất nhiều cũng là một khó khăn lớn với cả thầy cô, gia đình và trẻ.
Về phía gia đình, khoảng thời gian trước 6 tuổi, giáo dục của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ.
Có một điều đáng lưu ý là hiện nay, nhiều bậc phụ huynh do quá kỳ vọng vào con nên cho trẻ đi học trước học đọc và viết từ lớp mẫu giáo.
Nhiều trường học, nhất là các trường tư thục dù nhiều giáo viên không muốn dạy đọc và viết cho trẻ nhưng khó khăn đến khi gia đình của trẻ cương quyết: nếu cô giáo không dạy thì tôi cho cháu đi học ở chỗ khác.
Điều này vô tình đã tạo áp lực cho các cô giáo mẫu giáo và trẻ nhỏ.
Điều gia đình cần làm là chuẩn bị tâm lý cho trẻ thích thú tới trường.
Thích trước hết là ở vẻ bề ngoài của việc học: từ việc có cặp sách, đồng phục, góc học tập, tới được anh chị đón tiếp đầu năm, được đưa đi đón về các em hãnh diện lắm.
Cô giáo nên... cười nhiều hơn Theo TS Diệu Hoa, các cô giáo lớp 1 ngoài việc dạy kiến thức cho trẻ thì vừa phải niềm nở, ân cần đón các cháu. Để rút ngắn khoảng cách cô với trẻ thì cô phải cười nhiều hơn, gật đầu nhiều hơn. Rồi nữa là khuyến khích, động viên trẻ, khen trẻ nhiều.
Và cũng vì ở giai đoạn này trẻ cực kỳ tin tưởng vào thầy cô, lấy thầy cô làm mẫu người lý tưởng do đó, những nhận xét của giáo viên nên theo chiều hướng tích cực. Tuyệt đối không quát nạt hay dọa dẫm trẻ, bởi đó có thể là một bước ngoặt nguy hiểm về tâm sinh lý của trẻ sau này.
|
Theo VietNamNet