Ở độ tuổi 1-2, bạn có thể mua cho bé những sách có đường nét tranh không quá phức tạp, rắc rối, màu sắc rực rỡ nhưng phải phù hợp với khả năng nghe, nhìn của bé.
Đối với lứa tuổi mầm non, nhu cầu được xem sách truyện cũng cần thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Qua sách, trẻ học về bản thân và thế giới xung quanh, hình thành mối liên hệ giữa thị giác và thính giác, nâng cao khả năng quan sát và lý giải...
Bà Nguyễn Thị Mai Chi, Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) gợi ý cách lựa chọn những cuốn sách phù hợp:
1. Trẻ dưới một tuổi
Bạn nên chọn những sách tranh có màu sắc rực rỡ, mỗi bức tranh là một sự vật cụ thể dễ thu hút sự chú ý của trẻ. Tranh ảnh phải phù hợp với nhận thức của trẻ, chính xác, rõ ràng, đơn giản, gần gũi, giống thật như: con mèo, quả chuối, cái ca...
(Ảnh minh họa)
Sách không quá dày, trang sách cứng, in bóng. Những cuốn sách bìa cứng với giấy láng dày dễ cho trẻ xoay vần, chơi nghịch và cũng dễ lau chùi khi vấy bẩn.
Cho trẻ xem tranh, chỉ vào tranh khi nghe hỏi: "Con mèo đâu con?" hoặc "Cái ca đâu con?".
2. Trẻ 1-2 tuổi
Những cuốn sách phản ánh những sự vật gần gũi như: căn phòng, đồ dùng sinh hoạt, con vật, đồ chơi, cây cối hoặc những hoạt động quen thuộc hằng ngày của trẻ và những người thân thiết phù hợp với trẻ ở lứa tuổi này.
Đường nét tranh không quá phức tạp, rắc rối, màu sắc chọn màu sặc sỡ, phù hợp với khả năng nghe nhìn của trẻ. Bạn hãy cho bé quan sát tranh, nhận ra và gọi tên các vật, hành động đơn giản của nhân vật trong tranh.
3. Trẻ 2-3 tuổi
Nên chọn sách có nhiều tranh kết hợp với các dòng chữ có chú thích thật ngắn gọn, dễ hiểu, câu chữ có vần để trẻ dễ bắt chước. Những bức tranh có thể trừu tượng hơn một chút, những con vật cũng không nhất thiết phải giống con vật thật nhằm tăng trí tưởng tượng của bé.
Ở lứa tuổi này, trẻ thích nghe những câu chuyện có âm thanh của con vật hoặc xe cộ. Ví dụ, tranh truyện "Quả trứng", gà trống kêu "Ò ó o o", lợn kêu "Ụt ịt", vịt kêu "Vít vít"...
Vừa cho xem tranh bạn vừa đọc cho bé nghe, rồi để bé mô tả: tên gọi, đặc điểm, công dụng... kể tên các sự vật, hành động trẻ thấy trong sách.
4. Trẻ 3-4 tuổi
Ở lứa tuổi này, bạn chọn những sách thiên về mặt ngữ nghĩa. Nội dung bài thơ, câu chuyện phải sinh động, phong phú, có ngụ ý và giảng giải dễ hiểu, dẫn dắt trẻ đến với những quan niệm đạo đức đúng đắn.
Vì vậy, bạn nên mua những sách viết về những câu chuyện có tình tiết đơn giản, hình tượng nhân vật chân thực, động tác của nhân vật nổi bật, màu sắc tươi vui, từ ngữ dễ hiểu về các đồ vật thân thuộc, sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, bạn nên khuyến khích trẻ nói theo khi người lớn đọc, kể lại truyện hoặc từng đoạn truyện, cũng có thể cho trẻ vừa xem, vừa đọc, vừa chỉ theo từng đoạn.
5. Trẻ 4-5 tuổi
Lựa chọn những câu chuyện thần thoại, ngụ ngôn. Đề tài ngày góp phần mở rộng nguồn tri thức và nâng cao nhận thức, trí tưởng tượng của trẻ với môi trường xung quanh. Chẳng hạn như truyện: "Thỏ và Rùa", "Cóc kiện trời", "Tích Chu"... Trong khi đọc, bạn phải dùng các ngữ điệu khác nhau để thể hiện hình tượng và phát ra những tiếng kêu của các con vật để tạo hứng thú cho trẻ.
6. Trẻ 5-6 tuổi
Bạn nên chọn mua những loại sách có nội dung phong phú và phức tạp hơn, giúp bé nhận thức và phát huy trí tưởng tượng như truyện thần thoại, phưu lưu, hài hước, những câu chuyện dài với tình tiết giàu triết lý để mở rộng kiến thức và khả năng tư duy của trẻ. Chẳng hạn: "Ông Gióng", "Tấm Cám", "Sơn Tinh, Thủy Tinh", truyện tranh về những người khổng lồ hay các con thú cư xử như con người.
Ngoài ra, bạn có thêm mua thêm sách về những khái niệm số học, không gian, thời gian, địa lý, quy luật thiên nhiên, xã hội, quan hệ đạo đức. Khi đọc sách cho trẻ bạn nên cho bé nhắc lại những từ đồng âm, đồng nghĩa để tăng vốn từ vựng cho trẻ.
Theo Phunu