SGTT - Đằng sau câu chuyện ngủ chung hay ngủ riêng còn là cách giáo dục để giúp trẻ phát triển lành mạnh, có tính tự lập và trưởng thành về tình cảm.
Chỉ nên cho trẻ ngủ chung với cha mẹ từ 6 - 12 tháng tuổi. Ảnh: Kim N.
Thời gian gần đây, có khá nhiều phụ huynh có con nhỏ từ 2 - 4 tuổi gọi điện tới đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 thắc mắc về vấn đề có nên cho trẻ ngủ chung với cha mẹ? Nếu cho thì đến tuổi nào? Nhiều trẻ khi tách ngủ riêng hay khóc la thì phải làm sao?
Lợi nhiều, hại cũng lắm
Theo thống kê, có khoảng 35 - 40% trẻ ngủ với cha mẹ ở lứa tuổi từ 2 - 5 tuổi, 15 - 19% ở lứa tuổi từ 6 - 9 tuổi. Thói quen này tuỳ theo văn hoá của mỗi quốc gia. Tại châu Á, có 20 - 30% trẻ ngủ chung với cha mẹ, trong khi đó ở các nước phương Tây chỉ có 6%. Ngoài ra, còn tuỳ thuộc vào các yếu tố xã hội. Chẳng hạn ở những gia đình ly dị, gia đình có cha hoặc mẹ đi làm đêm hoặc làm việc xa nhà thì trẻ chỉ được ngủ với một phụ huynh hiện diện trong nhà.
Việc cho trẻ ngủ chung với cha mẹ có nhiều lợi ích. Đối với trẻ sơ sinh, ngủ chung sẽ giúp trẻ cảm thấy được an toàn và yêu thương. Trẻ được bú mẹ theo nhu cầu của mình, làm cho sự gắn bó tình cảm giữa mẹ con được tốt đẹp. Phương pháp chăm sóc da kề da (da của mẹ, cha và con) rất cần cho sự phát triển toàn diện của trẻ về sau này. Tuy nhiên, việc cho trẻ ngủ chung với cha mẹ cũng có nhiều nguy cơ. Trẻ có thể quá gắn bó với mẹ nên khó có cơ hội tập sống tự lập và trưởng thành về mặt tình cảm. Trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi nghiện thuốc lá, rượu hoặc những chất gây nghiện khác từ cha, mẹ. Khi trẻ chứng kiến những bất đồng ý kiến, thậm chí những hành vi bạo lực của cha mẹ, dễ gây sang chấn tâm lý cho trẻ. Ngoài ra, trẻ sống trong sự quan hệ thân mật giữa vợ chồng có thể bắt chước những hành vi quan hệ luyến ái của người lớn. Cha mẹ cũng nên tránh sờ, chạm vào bộ phận kín của trẻ bằng cử chỉ âu yếm, vuốt ve vì có thể kích thích trẻ và làm cho trẻ tự tìm kiếm những khoái cảm ân ái sớm.
Tuổi nào thì cho ngủ riêng?
Không thể có quy định chung cho mọi tình huống, nhưng tuỳ theo văn hoá và cách suy nghĩ của từng gia đình mà tách trẻ ngủ riêng sớm hay muộn. Tuy nhiên, trẻ có thể ngủ chung với cha mẹ trong thời gian còn bú, thường là từ 6 - 12 tháng tuổi. Nếu có thể được, nên để trẻ ngủ trong nôi cùng phòng của cha mẹ hơn là ngủ cùng giường với cha mẹ. Từ ba tuổi, trẻ bắt đầu biết phân biệt giới tính và có khuynh hướng gắn bó với phụ huynh khác phái. Bé trai thì gắn bó với mẹ, còn bé gái lại gắn bó với cha nên phụ huynh cùng phái có thể tách bé ra khỏi phụ huynh khác phái. Có như vậy, bé mới sẵn sàng tự lập khi bước vào tuổi đi học. Trong trường hợp vợ chồng ly dị, không còn sống chung với nhau thì không nên để con thay thế vai trò của người vợ hoặc chồng. Điều này sẽ gây thêm áp lực tinh thần cho trẻ và ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Không chỉ có vậy, điều này cũng có thể gây nên những rối loạn ăn uống, giấc ngủ và giới tính đối với trẻ.
Trẻ ngủ chung với cha mẹ càng lâu thì càng khó thuyết phục ngủ riêng. Vì vậy khi quyết định tách trẻ ngủ riêng, cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho trẻ và có thói quen giúp trẻ đi vào giấc ngủ. Chẳng hạn như 30 phút trước giờ ngủ, cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ đánh răng, đi vệ sinh, thay quần áo. Khi đã lên giường thì nên đọc hoặc hát cho trẻ nghe một câu chuyện, một bài hát. Thậm chí mátxa cho trẻ, đặt bên cạnh trẻ một chiếc khăn hoặc chiếc gối có mùi của mẹ, biểu tượng cho sự hiện diện của mẹ bên cạnh trẻ, hoặc một con thú nhồi bông. Thói quen này cần được lặp đi lặp lại hàng đêm để trẻ thích nghi với cuộc sống mới. Cũng cần động viên trẻ bằng phần thưởng ngày hôm sau, nếu trẻ đã ngủ tốt một mình trong đêm trước.
Bác sĩ tâm lý Phạm Ngọc Thanh
trưởng đơn vị tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 1