Bé dưới 4 tháng tuổi: Đây là giai đoạn thính giác, thị giác của bé có sự phát triển mạnh. Do đó, đồ chơi thích hợp nhất cho bé trong giai đoạn này là những đồ có tác dụng phát triển các giác quan này. Đồ chơi treo nôi, thảm có gắn đồ chơi, băng nhạc trẻ em, lục lạc, đồ chơi nhựa mềm, thú nhồi bông, chiếc trống hay những hình khối... là những loại đồ chơi phù hợp.
Có điều nên lưu ý chọn những loại có màu sắc chuẩn, không quá tối cũng không quá sặc sỡ làm ảnh hưởng đến thị giác vốn còn non yếu của trẻ. Và âm thanh của đồ chơi trong giai đoạn này cần nhẹ nhàng, du dương để không làm ảnh hưởng đến thính giác. Một lưu ý với đồ chơi treo trước mặt bé là nên thường xuyên thay đổi vị trí, tránh để bé nhìn quá lâu vào một vị trí hoặc một hướng.
Cha mẹ nên chọn cho con những bộ đồ chơi thích hợp
Bé từ 5 - 10 tháng tuổi: Lúc này kỹ năng phát triển vận động của đôi bàn tay bé phát triển mạnh. Bé đã có thể giơ tay lên để cầm, chộp, với đồ chơi. Bé tập trườn và cũng có thể tự ngồi khi được vịn, bé nói bập bẹ và phát ra các âm thanh khác. Do đó những đồ chơi dễ cầm, nắm, phát quang, phát ra âm thanh và dễ lay động được xem là sự lựa chọn hàng đầu cho bé.
Những món đồ chơi lục lạc lúc này rất hợp với bé và việc lắc nhẹ có thể kích thích óc tò mò của bé. Những dạng hình học đủ màu sắc và những nhân vật nhỏ sẽ kích thích thị lực và những chuyển động khi bé tìm cách nắm bắt. Ngoài ra những đồ chơi thích hợp khác cho bé trong giai đoạn này là gương soi, đồ chơi khi bé tắm, sách hình nhỏ, ngậm nướu (khi bé ngứa nướu răng)...
Bé từ 11- 18 tháng: Ở giai đoạn này bé đã đi và bắt đầu nói được một số từ. Do đó bạn nên mua cho bé những đồ chơi phát ra âm thanh và có thể chuyển động như điện thoại đồ chơi, đồ chơi xếp gạch và người, xe tập đi, xe đẩy, xe kéo dành cho trẻ nhỏ...
Những loại đồ chơi này sẽ giúp bé có hứng thú rèn luyện kĩ năng đi, giúp phát triển cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng. Do tính hiếu động và ham muốn khám phá cao nên trong giai đoạn này các bé sẵn sàng cho bất kể thứ gì vào miệng. Do đó với những món đồ chơi lúc này không nên quá nhỏ vì chúng có thể khiến bé ngạt thở. Các đồ chơi không được sần sùi, lồi lõm. Đồ chơi bằng nhựa và cao su cha mẹ nên tẩy rửa thật kĩ trước khi cho bé chơi bởi da bé rất nhạy cảm, tốt hơn hết là chọn đồ chơi bằng vải để đảm bảo an toàn cho các bé.
Bé từ 18 tháng - 3 tuổi: Bây giờ thể lực và trí tuệ của bé đã phát triển hơn, bé thích bắt chước và tập làm theo những động tác của người lớn, tư duy của bé mang tính trực quan hình tượng. Do đó nên mua cho bé những đồ chơi có tính chất mô phỏng lại cuộc sống xã hội như: đồ chơi nấu ăn, đồ chơi bác sĩ. Vì tư duy của trẻ lúc này đã phát triển hơn nên độ tuổi này, trẻ rất thích những đồ chơi phức tạp hơn giai đoạn trước như bộ ghép hình (puzzle) với các con số và các chữ, các bộ đồ chơi xây dựng, và các bộ đồ chơi rèn luyện trí nhớ, đồ chơi xâu hạt...
Có được đồ chơi đúng, phù hợp sẽ giúp bé phát triển tốt hơn
Vì sự phát triển của trí tượng tượng phát triển cũng hợp với các bé. Các loại sáp nặn, những đồ dùng để vẽ như phấn, bút chì màu, sơn không độc để bé vẽ bằng ngón tay, búp bê, quần áo hóa trang... đều rất hợp. Dù bất kể là đồ chơi như thế nào thì trẻ vẫn rất cần sự hoạt náo của cha mẹ để bé vừa chơi vừa học.
Bé từ 4 - 6 tuổi: Tương tác với bạn bè trong lớp mẫu giáo, giao lưu cùng các nhóm bạn trong khu phố giúp bé hiểu nhiều hơn về khái niệm "chia sẻ" cũng như sự tự lập khi không có cha mẹ bên cạnh. Khôn lớn và trưởng thành khiến các bé thích thú với các đồ chơi phát triển thể chất, gợi mở tình nhân ái, phát triển tư duy và khả năng sáng tạo.
Cha mẹ nên chọn cho trẻ những loại đồ chơi như: xe đạp ba bánh, diều, bóng... để trẻ phát triển thể chất. Búp bê (chẳng hạn như Barbie đã xây dựng hẳn một thế giới thu nhỏ để trẻ có thể bắt chước các hoạt động của người lớn bằng các trò chơi gia đình, đi chợ, nấu ăn, bán hàng..., các mô hình nhà trường, bệnh viện, trang trại, nhà cửa... sẽ giúp trẻ thực hành những bài học đầu đời về tình thương và lòng nhân ái.
Những đồ chơi như đất nặn, chì vẽ, trang tập tô, vỏ sò, vỏ ốc hay những đồ chơi mang tính kỹ thuật nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo như bộ xếp hình, ô tô, máy bay có thể lắp ghép, tranh ghép... là những món đồ bổ ích kích thích sự sáng tạo và tư duy của trẻ. Ở giai đoạn này, các đồ chơi nên hướng đến tính cộng đồng và cần một khoảng không gian tương đối rộng để các trẻ tự chơi và thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Theo Tin Tức