Năng lực về trí tuệ trong tương lai của trẻ tùy thuộc rất lớn vào sự trải nghiệm của các giác quan trong thời kỳ thơ ấu.
Các giác quan là thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, hệ thống cơ-khớp, hệ thống tiền đình, ngay sau khi sinh đã bắt đầu hoạt động ở mức độ thô sơ có tính phản xạ: nhìn, nghe, chạm tiếp xúc, mùi, vị, chòi đạp, đong đưa.
Qua sự chăm sóc, yêu thương, tương tác, các hoạt động giác quan được nâng dần lên mức độ có ý thức, mất đi tính phản xạ, mắt sẽ biết nhìn chăm chú, tai biết lắng nghe, làn Da biết cảm nhận những tiếp xúc yêu thương làm cho bé dễ chịu, bé cũng sẽ thoải mái hơn với một số mùi thơm, ăn ngon miệng món ăn phù hợp khẩu vị, biết lật, rồi bò...
Đồng thời, các hoạt động này sẽ tạo ra mối liên kết thần kinh phong phú trong não bộ, những liên kết thần kinh này sẽ khiến cho bé có khả năng học, thành công và tự tin trong cuộc sống, bé có thể ngồi im, tập trung lắng nghe cô giáo giảng bài, biết cộng trừ phạm vi 10 lúc năm sáu tuổi, biết đạp xe vào sinh nhật hai tuổi, biết tự xúc ăn khi bước qua ba tuổi...
Những kỹ năng nầy chỉ có được khi các giác quan được liên tục hoạt động và rèn luyện. Khả năng thành công càng cao khi được rèn luyện càng nhiều.
Do đó, các nhà khoa học về nhi khoa phát triển đã nghiên cứu và đưa ra các câu trả lời về cách chăm sóc thế nào giúp trẻ phát triển các giác quan một cách hiệu quả để trẻ thông minh.
Tại sao học khi còn là em bé?
Một số giác quan của bé đã sẵn sàng học, thực hiện các chức năng khi còn trong bào thai.
Cơ hội để não bộ phát triển thuận lợi và nhanh nhất có giới hạn trong ba năm đầu. Do đó cần bắt đầu ngay từ khi có thể.
Như vậy có mâu thuẩn với ý kiến là không nên cho bé học sớm (trước khi vào lớp một)?
Không có gì nghịch lý với cụm từ "học sớm", nếu hiểu đúng học sớm như thế nào.
Chúng ta đang nói về việc học của các giác quan, học ở đây là học tự nhiên nhưng hiệu quả, học nghe, học nhìn, học lật, học bò...Nghĩa là, nếu trẻ mới năm, sáu tháng tuổi, ta không ép trẻ sớm học bò; ta sẽ tập cho trẻ ngồi sao cho vững để tiến đến bò một cách dễ dàng.
Như vậy, có một số hoạt động trẻ học và làm mà cha mẹ dễ dàng đánh giá sự tiến bộ của trẻ, nhưng có một số hoạt động các giác quan khác như nhìn, nghe, ngửi, nếm, trẻ học thế nào là hiệu quả?
Các giác quan học hiệu quả là các giác quan thực hiện được chức năng của mình, và rồi từ đó sẽ phối hợp được với nhiều bộ phận khác tạo ra những hoạt động có ý nghĩa. Ví dụ, bé biết chăm chú nhìn đồ chơi treo trước mặt, rồi đưa tay vọi cầm.
Để giúp cho các giác quan học hiệu quả, khi chăm sóc bé ta chỉ cần chú ý thêm một số gợi ý như sau:
* Thị giác của bé sơ sinh sẽ nhậy hơn với các hình ảnh màu đen trắng.
* Bé dễ dàng lắng nghe hơn với tiếng nói của mẹ, với âm thanh trầm bổng.
* Vị ngọt dễ chấp nhận hơn các vị khác.
* Mùi vanille và lavender giúp bé thoải mái, thư giãn hơn.
* Xoa bóp làm cho bé cảm nhận cuộc sống rất thú vị, dễ chịu.
* Đong đưa giúp bé cảm giác thăng bằng, tự tin.
* Và vận động là nhu cầu thực sự của mọi trẻ con.
Việc học, cũng như người lớn, bé học hiệu quả khi trong trạng thái ổn định, tỉnh táo. Có những khi, bé qúa khó chịu, quấy, có thể làm dịu êm bằng cách:
* Đung đưa bé theo chiều trước sau.
* Nghe nhạc độc tấu, êm dịu.
* ngậm núm vú giả.
* Xoa bóp chậm, áp lực sâu.
* Quấn bé vào chăn.
Ngược lại, những cách sau đây sẽ làm cho các bé dạng thụ động sẽ trở nên tươi tỉnh hơn:
* Làm cử động xoay tròn đối với bé.
* Nghe nhạc hòa tấu, nhạc quân hành.
* Cù nhột.
* Sử dụng ánh sáng chói.
* Hoạt động nhún nhẩy.
Nói một cách khác, tiềm năng trí tuệ mà bé có sẵn khi mới sinh ra, có thể bị suy giảm nếu các giác quan không được kích thích và trải nghiệm. Đừng bảo vệ trẻ thái quá, hãy dùng những trò chơi và đồ chơi tạo động lực và tính chủ động để trẻ học và khám phá.
Hà Thị Kim Yến - Khoa VLTL&PHCN
Theo Bibi.vn