Hàng ngày, phòng khám tâm lý của bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận được rất nhiều lời than phiền, bức xúc của cha mẹ trước những hành vi bất thường của trẻ: hiếu động, bạo lực, thức giấc nửa đêm
Cha mẹ cần chọn lọc chương trình truyền hình phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ảnh: CTV
Khi được hỏi về sinh hoạt giải trí của trẻ, cha mẹ thường cho biết là trẻ đã từng được xem truyền hình từ vài tháng tuổi, nhất là phần quảng cáo. Cha mẹ sử dụng truyền hình như một phương tiện để khuyến khích trẻ ăn khi trẻ có dấu hiệu khó ăn. Khi trẻ biết đi, biết chạy, thì cha mẹ dùng truyền hình để giảm sự hiếu động của trẻ. Ngoài gia đình, trẻ cũng được xem truyền hình tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo để cô giáo có thể làm việc khác.
Nhiều tác hại cho trẻ
Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ có thể được tiếp cận với chữ hay số và với âm nhạc trong các chương trình dành cho thiếu nhi, với điều kiện người thân hiện diện và giao tiếp với trẻ. Tuy nhiên, truyền hình không thể thay thế việc đọc hoặc chơi, vốn rất cần thiết cho lứa tuổi này. Ngay trong phim hoạt hình, trẻ chịu ảnh hưởng của bạo lực qua những màn đấm đá, giết hại nhau với tần suất khoảng 20 lần/giờ. Trẻ xem những hình ảnh bạo lực qua truyền hình nhiều giờ trong tuần sẽ có những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè.
Truyền hình còn giới thiệu những hình ảnh khơi dục, xìke, rượu, thuốc lá trong những phim dành cho người lớn. Với những hình ảnh quảng cáo thực phẩm hay bia rượu, trẻ có khuynh hướng cho rằng những thực phẩm được quảng cáo tốt cho sức khoẻ và không quan tâm đến tầm quan trọng của rau quả trong chế độ ăn. Trẻ xem truyền hình nhiều cũng sẽ ít vận động thể chất, dễ tăng cân dẫn đến tình trạng béo phì. Truyền hình cũng ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nếu trẻ tập trung nhìn màn hình trong thời gian kéo dài.
Cha mẹ có thể làm gì?
Trẻ xem những hình ảnh bạo lực qua truyền hình nhiều giờ trong tuần sẽ có những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè |
Việc trước tiên các gia đình cần lưu ý là không nên dùng truyền hình như một dụng cụ thay thế cho cha mẹ, thầy cô, người nuôi trẻ. Trẻ dưới hai tuổi không nên xem truyền hình. Đối với trẻ lớn hơn hai tuổi, thời gian xem truyền hình tối đa không quá 1 - 2 giờ/ngày. Chúng ta cần chọn lọc chương trình truyền hình phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khi đã hết chương trình dành cho trẻ nhỏ, ta nên tắt truyền hình. Nên nhớ ngay phim hoạt hình cũng có thể tác hại cho trẻ nếu trẻ thấy những cảnh bạo lực trong phim.
Cho trẻ giải trí bằng những sinh hoạt bổ ích, xây dựng... như đọc sách, kể chuyện, chơi thể thao ngoài trời, tô màu, nấu ăn, trò chơi lắp ráp, chơi với bạn cùng tuổi. Cha mẹ làm gương cho trẻ bằng cách tự giới hạn thời gian xem truyền hình. Đừng sử dụng truyền hình như một phần thưởng hoặc cấm xem như một hình phạt. Thay vì dùng bạo lực, chúng ta nên dạy trẻ cách ứng xử tích cực hơn. Khi cùng xem quảng cáo với trẻ, chúng ta giải thích cho trẻ hiểu những thực phẩm nào có lợi cho sức khoẻ và giúp trẻ lớn khôn. Những hình thức truyền thông khác như video, trò chơi điện tử, internet, cũng có những tác hại tương đương với truyền hình.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (trưởng đơn vị tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 1)
Theo SGGP