1. Khi bé đá chân
Nghĩa đầu tiên là: Bé đang rất thoải mái với trang phục trên người. Khi bé của bạn được chạm chân vào nước mát trong ngày nóng bức, bé cũng sẽ đá chân để thể hiện "Wow, thích quá!". Hoặc có nghĩa: Bé muốn thu hút bạn hoặc thu hút sự chú ý của người đối diện.
Phản ứng của bạn: Chia sẻ sự hào hứng với bé. Việc bé đá chân cũng giúp bé phát triển được các cơ bắp. Cùng với bất kỳ ngôn ngữ cơ thể nào của bé, các chuyên gia nói rằng cha mẹ luôn luôn phải theo dõi khuôn mặt của bé vì khuôn mặt bé sẽ giúp bạn phân loại xem bé đang nghĩ gì.
2. Quay mặt đi
Có nghĩa là: Bé cần một phút để định hình thái độ và hành động của bạn. Điều này tương tự như phản ứng "Hãy cho tôi nghĩ một tẹo trước khi bạn nói tiếp". Hoặc có nghĩa bạn đã xâm phạm vào không gia riêng tư của bé và bé cảm thấy không thoải mái..
Phản ứng của bạn: Kiểm tra lại môi trường xung quanh bé xem có điều gì làm bé cảm thấy "lăn tăn". Hoặc bạn có thể để cho bé tự chơi với các đồ chơi của mình trong vòng khoảng 20 phút, dĩ nhiên, trong thời gian này bạn vẫn phải khéo léo theo dõi bé.
3. Bé dụi hoặc che mắt
Có nghĩa là: Bé đang cố gắng kéo bạn cùng chơi với bé. Hành động dụi mắt của bé khiến bạn phải chú ý và đó chính là "âm mưu" của bé đấy. Nhưng bé cũng dụi mắt khi mắt bị khô, có bụi vào mắt hoặc bé đang cảm thấy buồn ngủ.
Phản ứng của bạn: Nếu bé thích bạn chơi cùng, hãy cùng chơi với bé. Còn nếu bé dụi mắt vì mắt bị khô và ngứa bụi thì bạn phải nhẹ nhàng nâng đầu và kiểm tra mắt cho bé. Còn nếu bé đang buồn ngủ thì chẳng có cơ gì bạn không đọc cho bé nghe một câu chuyện ngắn hoặc hát ru nhẹ nhàng. Bé sẽ chìm ngay vào giấc ngủ và quên đi hành động dụi mắt.
4. Bé xoắn tóc
Có nghĩa là: Con bạn đang muốn làm một điều gì đó vui vẻ hơn. Hoặc cũng có thể bé đang lo lắng về điều gì đó xung quanh, ví dụ như người chăm trẻ mới hoặc môi trường ồn ào.
Phản ứng của bạn: Đừng để bé xoắn tóc lâu vì bé sẽ bị đau đầu hoặc da đầu vẫn còn non của bé có thể bị ảnh hưởng. Bạn hãy tìm trò chơi gì mới cho bé hoặc nói chuyện với bé. Bé vẫn chưa hiểu lời bạn nói nhưng âm điệu giọng nói mềm mại và vẻ mặt tươi tắn của bạn khi trò chuyện với bé sẽ làm cho bé cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn.
5. Uốn cong lưng
Có nghĩa là: Bé đang buồn. Bé cũng đang sợ hoặc cảm thấy khó chịu điều gì đó. Bé uống cong lưng cũng có thể là do bé bị đau hoặc ngứa ở chỗ nào đó, ví dụ như đau bụng hoặc ngứa ngáy do tấm nệm không như ý.
Phản ứng của bạn: Kiểm tra xem thực tế bé muốn gì. Bạn xem bé có đói, khát, bị ướt, bị đau hoặc bị ngứa chỗ nào không. Trong từng trường hợp bạn hãy có cách xử lý nhẹ nhàng. Ví dụ nếu bé bị ngứa, bạn hãy xoa nhẹ vào chỗ ngứa cho bé đến khi cơ thể bé giãn ra thoải mái. Còn nếu bé bị ướt, bạn đừng lười thay tã, bỉm hoặc nệm lót cho bé.
6. Duỗi tay ra
Có nghĩa là: Bé đang có tâm trạng rất thoải mái. Hoặc bé đang muốn mở các ngón tay khám phá những đồ xung quanh. Tuy nhiên, bạn vẫn phải quan sát xem khuôn mặt bé có nói lên điều gì không..
Phản ứng của bạn: Hãy để bé nằm chơi một mình và để bé tự khám phá thế giới xung quanh trong một vài phút. Hoặc bạn có thể tìm một đồ chơi mới vừa tay cầm của bé và cho vào tay bé, lúc đó bé sẽ biết phải làm gì với đồ chơi mới.
7. Kéo/ giật tai
Có nghĩa là: Bé đang khó chịu điều gì, ví dụ môi trường xung quanh quá ồn ào, quá lạnh hoặc quá nóng. Cử chỉ kéo giật tai có nhiều hàm ý, ví dụ như sữa pha quá nóng, bé bị ngứa ngáy tai hoặc bé muốn ợ.
Phản ứng của bạn: giữ bé bình tĩnh, thử chuyển bé đến một chỗ khác hoặc tắt TV để bé không bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Kiểm tra tai của bé xem có bị sao không. Và trong trường hợp bé muốn ợ, bạn phải nhẹ nhàng bế bé, xoa nhẹ vào lưng bé, bạn đừng xốc bé mạnh vì bé có thể sẽ bị nôn trớ.
Theo aFamily