Giáo dục mầm non
   Các trường mầm non bán công: Lo lắng vì tăng lương!
 

Theo Nghị định 118/2005 về điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, giáo viên (GV) được tăng mức lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-10-2005.

Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ lương mới đã khiến hầu hết trường mầm non bán công (MNBC) TP.HCM rơi vào tình trạng thu không đủ chi lương dù đã có những GV trường MNBC nghỉ việc vì thu nhập quá thấp. Trong khi đó, ở các trường công lập, chuyện tăng lương cũng làm rầu lòng nhiều GV...

“Cứng” tăng, “mềm” giảm

“Tăng lương thời điểm này ai cũng mừng nhưng với chúng tôi lại quá đau đầu. Chưa tăng lương, chúng tôi đã phải làm đơn xin cấp bù vì thu không đủ chi, nay thì tình trạng thiếu hụt lại càng trầm trọng hơn. Dù được lãnh đạo quận quan tâm cấp bù bằng ngân sách của quận nhưng nhìn chung đội ngũ GV đang rất bức xúc vì không thể cứ xin mãi”. Đó là lời tâm sự mà chúng tôi được nghe từ nhiều hiệu trưởng trường MNBC.

Bức xúc này bắt nguồn từ việc mức thu học phí trường MNBC được quy định từ năm 1998 đến nay không thay đổi, trong khi đó mức lương tối thiểu đã 4 lần điều chỉnh từ 180.000 lên 210.000, 290.000 và lần này là 350.000 đồng.

Cô Quách Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường MN BC thành phố, cho biết: “Thu nhập GV của trường gồm 2 phần: lương cơ bản và “phần mềm” đời sống. Trước đây lương cơ bản thấp thì phần mềm chi cho đời sống cao. Còn hiện nay, lương cơ bản cao, phần mềm giảm. Nhìn chung thu nhập của GV không tăng lên trong nhiều năm qua”.

Theo phân tích của nhiều hiệu trưởng, thời gian đầu thực hiện bán công, với mức lương cơ bản thấp, thu nhập của GV trường MNBC cao hơn hẳn GV khối công lập nhưng khi mức lương cơ bản tăng lên thì khoảng cách này thu hẹp dần và đến nay đã thấp hơn GV công lập.

Hiệu trưởng một trường MNBC thuộc quận 6 tính toán, với cùng hệ số lương mới là 1,86 nhưng GV công lập được nhận 1.627.000 đồng còn GV bán công ở trường cô chỉ được 1.172.000 đồng, chênh lệch đến 455.000 đồng. Do vậy, từ đầu năm đến nay, trường cô có đến 4 GV giỏi bỏ việc. Trong khi đó, nguồn thu học phí của Trường MNBC 7 (quận 3) không đủ để chi cho lương cơ bản, do vậy cái gọi là “phần mềm” đã tự động biến mất.

Để đảm bảo thu nhập cho GV, hầu hết các trường đang kiến nghị được cấp bù nhưng đây thật sự là bài toán khó cho ngân sách địa phương khi các trường MNBC đang thiếu hụt trên 25% quỹ lương. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục quận 3, cho biết tổng số cấp bù lương cho 5 trường BC của quận đã lên đến gần 961 triệu đồng, chiếm 26,32% tổng quỹ lương. Không thể mãi trông chờ vào kinh phí cấp bù từ ngân sách quận, nhiều trường MNBC ở các quận 3, 6… đang xin quay trở lại công lập!

Cơ chế nào cho trường mầm non bán công?

Theo cô Quách Thúy Quỳnh, cho đến thời điểm này trường MNBC thành phố vẫn cầm cự được là do có cơ sở vật chất khá tốt, thu hút được học sinh. Hiện trường chưa thực hiện chế độ lương mới và nếu thực hiện cũng sẽ rất khó khăn bởi hiện đã khá chật vật trong thu chi.

Trong khi đó các trường MNBC quy mô nhỏ hơn đã rơi vào khó khăn từ lâu. Cô Bích Phượng, Hiệu phó Trường MNBC 25B, quận Bình Thạnh cho biết: “Ở mức lương 290.000 đồng, trong hai năm qua, trường phải kiến nghị quận cấp bù lương GV trong 3 tháng hè. Với mức thu hiện nay, GV trường đã chịu thấp hơn GV công lập 300.000-350.000 đồng/tháng do đó trường không thể đảm bảo nguyên tắc “thu 9 tháng, chi 12 tháng”.

Lý giải tình trạng thu nhập GV hệ bán công thấp hơn công lập, nhiều hiệu trưởng cho biết, ngoài lương cơ bản từ ngân sách, GV công lập còn được hưởng từ nguồn phí hoạt động bán trú trong khi lương GV bán công chỉ gói gọn trong nguồn thu học phí. Khi thực hiện lương mới, chênh lệch này càng lớn hơn.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cơ chế hiện nay cho phép các trường bán công sử dụng 79% từ nguồn thu học phí để chi lương, 20% cho hoạt động phí (bao gồm cả điện, nước…) và 1% điều tiết về ngành. Lương tăng, các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… tăng theo khiến phần chi thực tế cho người lao động (GV) càng ít dần.

Lao động vất vả nhưng đồng lương của các GV quá eo hẹp khiến các trường MNBC khó giữ họ dù đang thiếu đội ngũ đứng lớp. Mặt khác, tỉ lệ 20% hoạt động phí không đủ để trường chi trả tiền điện, nước khiến nhiều trường phải xé rào chi sang khoản khác.

Dù được lãnh đạo các quận quan tâm, hứa cấp bù cho các trường MNBC nhưng theo nhiều hiệu trưởng, về lâu dài phải có cơ chế riêng cho trường MNBC, hoặc cho phép tăng học phí, hoặc tạo cơ chế để các trường tự chủ tài chính.

Trường công lập: điều chỉnh lương mới = hạ bậc lương giáo viên!?

Không chỉ GV trường MNBC bức xúc quanh chuyện tăng lương mà cả GV các trường công lập cũng đang lo. Chưa kịp mừng vì được mức tăng lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng, GV các trường THPT của TP.HCM đã méo mặt vì quyết định 81 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính về “Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với một số ngạch công chức, viên chức…”.

Cô C., Trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8 về trường năm 2000. Tháng 10 này cô được nâng lương lên bậc 3, nhưng theo thông báo của Sở GD-ĐT, những GV đang công tác từ năm 2001 trở về sau này bị hạ bậc lương cho phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài chính! Như vậy, lương của cô vẫn ở bậc 2 và 3 năm sau mới “leo” lên bậc 3.

Gần 40 GV trẻ của Trường THPT Tạ Quang Bửu thuộc đối tượng điều chỉnh của lương mới bức xúc vì mấy năm cống hiến không được nhìn nhận, bậc lương GV “quay lại từ đầu” ở mức thấp nhất, bằng những người mới ra trường. Nếu đang từ bậc 2 của hệ số lương cũ xuống bậc 1 của hệ số lương mới, hệ số lương bị giảm 0,33 và thu nhập mỗi tháng của GV bị mất 100.000 đồng. Nếu cộng dồn 12 tháng, đây sẽ là một thiệt thòi đáng kể đối với GV.

Trường Trung Phú, Củ Chi, có 22 GV đang từ bậc 2 của hệ số lương cũ xuống bậc 1 của hệ số lương mới. Trường THPT Long Thới, Nhà Bè có 8 GV bị hạ bậc lương… Ước tính toàn thành có cả ngàn GV trẻ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, lương tăng nhưng thu nhập lại giảm.
 

Theo Sài Gòn Giải Phóng

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trường MNBC 19/5, quận 10: Luôn năng động và sáng tạo. (8/10)
 TP.HCM: phòng nha học đường đầu tiên trong trường mầm non (6/10)
  TPHCM: Triển khai thí điểm "Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục mầm non" (28/9)
 184 học viên hệ tại chức CĐSP mầm non và hệ chuyên tu CĐSP giáo dục đặc biệt tốt nghiệp. (26/9)
 IBM tặng hệ thống Nhà thám hiểm trẻ cho giáo dục mầm non (22/9)
 Trường đầu tiên của quận Tân Phú (TP.HCM) đạt chuẩn quốc gia (22/9)
 TP.HCM: xây dựng mô hình trường mầm non chăm sóc, nuôi dưỡng tốt (21/9)
 Trẻ em có khả năng học toán bẩm sinh (20/9)
 Nhiều trường mầm non "né" lớp dưới 18 tháng tuổi (19/9)
 Thiếu nguồn trả lương, trường mầm non bán công kêu khổ (15/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i