Không một trường mầm non công và bán công nào trên địa bàn TP.HCM tổ chức được lớp dành cho trẻ 12-18 tháng tuổi trong năm học này, mặc dù Sở GD-ĐT TP đã có công văn chỉ đạo phải dành chỗ để nhận học sinh "lớp cháo".
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở đã yêu cầu các trường mầm non công và bán công có 12 nhóm lớp trở lên phải nhận ít nhất một lớp học sinh dưới 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh, việc tìm được lớp trường công cho các cháu dưới 18 tháng tuổi khó như "mò kim đáy bể".
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm có con 13 tháng tuổi ở quận Thủ Đức bức xúc: "Tôi không thể tìm được nơi gửi cháu ở trường công, còn nhà trẻ gia đình thì lại e ngại về sự an toàn nên phải nghỉ việc ở nhà trông con". Còn chị Khánh Hà, nhà ở Gò Vấp tâm sự: "Trường mẫu giáo tư thục có nhận trẻ dưới 18 tháng nhưng chi phí cao quá, thu nhập gia đình tôi không trang trải đủ".
Thực tế, nhu cầu gửi trẻ "lớp cháo" của các phụ huynh là rất lớn, nhưng tới trường nào họ cũng gặp khó khăn và bị từ chối. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non công lập Nguyễn Thái Bình, quận 1, thừa nhận, trường không mở được lớp "nhỏ" vì thiếu phòng học. "Nếu bớt phòng học để nhận học sinh dưới 18 tháng thì lại không có chỗ cho lớp lá (lớp cuối của trường mầm non), ảnh hưởng đến chỉ tiêu 100% trẻ đến tuổi trên địa bàn vào lớp 1 trong năm học tới", bà Dung nói.
Nhiều trường cũng e ngại nhận học sinh quá nhỏ buộc trường phải sắp xếp lại vấn đề phục vụ, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ. Hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở quận 3 tính toán: "Theo quy định của ngành giáo dục, một giáo viên chỉ có thể chăm sóc 5-6 trẻ dưới 18 tháng. Trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay thì quả thật không đủ người để tổ chức lớp này".
Mặt khác, mức chênh lệch giữa chi và thu trong trường hợp tổ chức lớp "cháo" cũng khiến các trường phải cân nhắc. Cán bộ một trường mầm non quận 5 tiết lộ, "mở các lớp cho trẻ 12 tháng tuổi trường cầm chắc lỗ". "Công tác chăm sóc đòi hỏi nhiều đầu tư, số lượng giáo viên cần nhiều hơn trong khi Sở GD-ĐT vẫn chưa quy định mức thu riêng cho đối tượng học sinh này, nếu thu theo mức phí như học sinh khác thì không ổn", bà Trần Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non bán công 20-10 nói. Nhiều trường mầm non cũng đề nghị Sở GD-ĐT sớm ban hành quy định về mức thu học phí cho học sinh lứa tuổi này.
Theo bà Kim Thanh, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có văn bản đề nghị HĐND và UBND TP điều chỉnh học phí lớp dưới 18 tháng. Thời điểm này, các trường có thể bàn bạc với phụ huynh HS để thống nhất một mức thu bảo đảm đủ để trả lương cho giáo viên và mua sắm trang thiết bị. Song, trên thực tế, chỉ đạo của Sở cho đến nay vẫn chưa "tới" được các trường mầm non.
Hầu hết các trường mầm non đều quá tải. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng năm học này áp lực tăng cao hơn. Nguyên nhân là một số trường nằm trong khu bị giải toả, và ảnh hưởng bởi chủ trương kiên quyết đóng cửa nhà trẻ tư nhân không phép của thành phố.
Trường Mầm non dân lập Hoàng Mai ở quận 8, đầu năm học này đã đón hơn 500 học sinh các lứa tuổi trên 18 tháng, cao hơn so với thời điểm đầu năm học trước. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phúc cho biết trường đã phải khống chế lượng học sinh đầu vào và buộc phải từ chối rất nhiều yêu cầu gửi con của phụ huynh. "Một số nhà trẻ không phép bị đóng cửa nên lượng cháu dồn vào trường nhiều hơn", bà Phúc nói. Địa bàn quận 8 tập trung đông bộ phận người lao động nghèo và dân nhập cư nên vốn rất phổ biến loại hình nhóm trẻ gia đình.
Ở quận 1 ít nhà trẻ không phép hơn nên các trường mầm non không phải chịu áp lực "dồn trẻ" này, nhưng lại gặp cái khó khác là bị giải tỏa. Trường Mầm non Nguyễn Cư Trinh có ba cơ sở thì đầu năm học này phải "mất" một để giao cho UBND phường cải tạo thành trụ sở. Học sinh phải dồn về hai điểm còn lại khiến sĩ số các lớp tăng lên khá đông. Trường Mầm non Nguyễn Thái Bình năm nay cũng chỉ còn năm cơ sở, một điểm bị giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây. Song, năm nay trường vẫn phải nhận số học sinh ngang bằng năm ngoái.
Theo VnExpress
|