Như đã đưa tin “Sở GD-ĐT TP.HCM không tổ chức khai giảng cho trường mầm non”.
Đây là một quyết định rất đáng hoan nghênh của những người lớn mà cụ thể là những người có trách nhiệm tại Sở GD-ĐT. Một quyết định cho thấy tư duy của những nhà quản lý giáo dục đã soi trực tiếp vào mọi hoạt động liên quan đến giáo dục tưởng nhỏ mà không nhỏ này.
Nhất thiết mọi hoạt động liên quan đến nhà trường chỉ nhằm phục vụ người đi học (mà ở đây đối tượng là trẻ em). Các hoạt động không mang lại (hay đi ngược lại) lợi ích cho người đi học cần sớm được sàng lọc và loại bỏ.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa yêu cầu các trường mầm non không tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2005-2006 vì ngành học này có đặc thù riêng: HS quá nhỏ không phù hợp với lễ hội rình rang, náo động và có nhiều người lạ. |
Tổ chức lễ khai giảng sao cho tiết kiệm thời gian tiền bạc không có nghĩa làm cho bầu không khí ngày khai giảng dành cho trẻ thiếu thân thiện và thiếu sự trân trọng trẻ đúng mức. Người lớn không mong muốn bị lạm dụng như là công cụ phục vụ thói khoa trương hình thức (thói quen rất đáng chỉ trích), thì không lý gì lại buộc những đứa trẻ phải chịu đựng hay thích nghi với thói xấu đó. Thật mừng là ngày đầu tiên đi học, trẻ đã được học ngay bài học được tôn trọng như là một cá thể (một con người) có phẩm giá.
Quyết định đó nhỏ mà không nhỏ vì đối với trẻ, ngày đầu tiên đến trường không là ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba mà mỗi ngày trường học phải là nơi giúp trẻ trải nghiệm và học hỏi. Cha mẹ nào đã từng trải qua những ngày đi học hay có con đi học đều có thể lắng nghe được cảm xúc này của trẻ.
|
Mọi hoạt động liên quan đến giáo dục cần được đặt trên nền tảng quyền trẻ em |
Thế cho nên rất mong ngày khai giảng sẽ được xây dựng như là một trang khởi đầu, một phần quan trọng trong giáo án của giáo viên. Trẻ sẽ được trải nghiệm bài học gì trong ngày đầu tiên này? Chắc chắn trẻ em nào cũng mong mỏi được thầy cô nắm bàn tay thật chặt ngay từ ngày đầu tiên bước vào môi trường cộng đồng (lớp học).
Nhiệm vụ của thầy cô không chỉ bó hẹp là cung cấp kiến thức, mà xã hội hiện đại cần biết bao những thầy cô thật sự là người dẫn đường có lòng yêu thương trẻ, giỏi vận dụng kỹ năng sư phạm cũng như quyền trẻ em để có thể đủ tự tin giao tiếp và xây dựng nhân cách đúng đắn cho những công dân tương lai.
Giáo án cũng chỉ là một trong chuỗi hoạt động phục vụ giáo dục (có mục tiêu) trong nhà trường. Nâng lên một bước nữa, có thể nhân rộng hành động này của Sở GD-ĐT TP.HCM như là hành động khởi xướng cho cuộc cách mạng thay đổi tư duy giáo dục từ gốc, chống lại bệnh khoa trương lãng phí của tất cả các cấp học nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
T.PHẠM (Tuổi Trẻ)