Theo thống kê, tỷ lệ lười ăn của bé 2 tuổi có thể lên tới 20-30%.
Các dấu hiệu lười ăn của bé gồm:
- Bé ăn rất ít và chỉ ăn một số món nhất định (một số bé chỉ ăn 1-2 thìa thức ăn mỗi bữa nên khiến cha mẹ nản lòng).
Các bé ở độ tuổi này thích ăn một khẩu phần rất nhỏ. Nhiều bé có cân nặng và chiều cao ở độ tuổi lên 2 không chênh lệch với lúc 1 tuổi là mấy. |
- Bé không chịu thử những món mới.
- Mỗi bữa ăn của bé thường kéo dài trên 30 phút, lượng thức ăn mà bé dung nạp mỗi bữa ít hơn so với các bé khác ở cùng độ tuổi.
- Bé hay quấy khóc, ngậm hoặc phun thức ăn...
Nguyên nhân và cách xử trí
1. Khoảng 1-2 tuổi là giai đoạn bé hoàn thiện quá trình mọc răng. Khi đó, lợi bé bị kích thích, đau, cộng thêm sự rối loạn trong bài tiết nước bọt nên bé dễ sợ ăn uống (một số bé có biểu hiện còi cọc do biếng ăn chứ không còn được bụ bẫm như trước nữa).
- Cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn mềm, đa dạng. Bạn cũng không nên ép bé ăn nhiều để tránh làm cho bé sợ ăn về sau.
- Nếu hiện tượng đau lợi do mọc răng khiến bé không ăn uống được gì, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau, xoa vào lợi cho bé, giúp bé ăn ngon miệng hơn.
2. Cách chăm sóc bé thiếu khoa học từ cha mẹ cũng có thể khiến bé dễ lười ăn. Nhiều bậc phụ huynh thích nhồi nhét, ép buộc bé phải ăn bằng mọi cách. Kết quả, bé sẽ sợ hãi nên chán ăn.
- Nhiều người mẹ lười đổi món cho bé, để bé ăn một món hết ngày này qua ngày khác cũng khiến bé nhanh chán.
- Bé thiếu chất xơ - yếu tố cần thiết để kích thích bé ngon miệng trong khẩu phần hàng ngày.
- Cho bé ăn cơm quá sớm (trước 2 tuổi) cũng khiến bé không ăn được nhiều, hình thành dấu hiệu kén ăn.
3. Bé dùng nhiều sữa ngoài hơn sữa mẹ: Các nghiên cứu chứng minh, nhóm bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ cho đến khi bé được 2 tuổi sẽ ăn uống ngon miệng hơn.
Nguyên nhân là do, sữa mẹ kích thích dạ dày và đường ruột của bé, giúp bé tiêu hóa tốt và ăn ngon miệng (chất này không có trong sữa hộp).
4. Bỏ thuốc vào cháo cho bé: Lần đầu, bé không biết nên dễ mắc lừa cha mẹ nhưng những lần sau, bé sẽ nảy sinh tâm lý cảnh giác và tránh xa thức ăn.
5. Các nguyên nhân khác khiến bé biếng ăn là do bé còi xương; bé mắc bệnh truyền nhiễm như viêm tai, viêm họng; bé bị tiêu chảy, viêm ruột...
Uống nhiều sữa đậu nành cũng khiến bé mất cảm giác thèm ăn. Sữa đậu nành chứa nhiều protein, làm bé đầy bụng.
Các trường hợp đặc biệt
Bé chỉ thích uống sữa mà lười ăn cháo, bột: Sữa tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng bạn vẫn nên cho bé ăn, uống thêm các loại thực phẩm khác. Bé đã qua tuổi ăn dặm thì việc chỉ uống sữa sẽ không thể đảm bảo dưỡng chất cho bé phát triển toàn diện.
Ngoài ra, nếu chỉ uống sữa không, bé cũng dễ mắc chứng táo bón.
Bé thích ngậm cháo: Bạn nên nấu thức ăn mềm, nhừ để tạo cảm giác dễ nuốt cho bé. Sau đó, bạn cũng nên động viên để bé nuốt thức ăn nhanh hơn.
Bé muốn bỏ bữa: Bạn vẫn nên duy trì việc ăn uống của bé theo lịch cố định. Bỏ bữa có thể khiến bé ăn ngon hơn vào khoảng thời gian sau đó nhưng điều này có thể dẫn tới hiện tượng rối loạn tiêu hóa cho bé.
Bỏ bữa cũng dễ hình thành nên thói quen xấu của bé, tức là bé chỉ muốn ăn khi có nhu cầu. Điều này chỉ khiến bé lười ăn hơn thôi.
Bé bị nôn trớ khi ăn: Bé trên 1 tuổi mà vẫn xuất hiện tình trạng nôn (trớ) khi ăn thì bạn nên đưa bé đi khám. Đồng thời, bạn chỉ nên cho bé ăn thức ăn mềm và ăn từng chút một.
Bạn tuyệt đối tránh cho bé ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn.
Theo mevabe.net