Bé tuổi sơ sinh
   Chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh
 
Trên thế giới, khi tử vong trẻ em đang giảm xuống thì tử vong trẻ sơ sinh vẫn còn cao, gần 2/3 số trẻ sơ sinh chết trong tuần lễ đầu sau sinh! Ơ các nước đang phát triển, 42% tử vong sơ sinh là do nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng huyết) vì thiếu vệ sinh lúc sinh và trong thời gian sơ sinh. Bà mẹ và trẻ sơ sinh được về nhà mà thiếu sự huấn luyện chăm sóc cũng như thiếu lưu tâm về vệ sinh đều là những nguy cơ nhiễm trùng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có 3,6 triệu trẻ sinh ngạt, 900.000 trẻ tử vong và những trẻ sống sót thì để lại di chứng não. Việc chuyển viện cho các trẻ ngạt rất khó khăn, vì trẻ thường sẽ chết hoặc diễn tiến nặng trước khi đến được bệnh viện. Ở các nước Đông Nam Á, 25-30% trẻ sơ sinh nhẹ cân, tức cân nặng lúc sinh dưới 2.500g. Trong 10 trẻ sơ sinh chết, có 7-8 trẻ nhẹ cân. Nguyên nhân là do viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sinh ngạt, hạ thân nhiệt, nuôi ăn không đủ. Hầu hết tử vong sơ sinh có thể tránh được bằng cách chăm sóc tốt trong thời kỳ sơ sinh, vệ sinh sạch sẽ trong lúc sinh và điều trị hiệu quả các biến chứng như hồi sức tại phòng sinh, phát hiện và điều trị nhiễm trùng... Các can thiệp khác như giữ ấm trẻ, cho trẻ bú sữa mẹ… cũng có tác dụng phòng ngừa quan trọng. Các can thiệp chăm sóc trẻ sơ sinh cần thiết bao gồm: 1. Sinh sạch, chăm sóc rốn để phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh. a. Sinh sạch: Bàn tay của người hộ sinh, vùng tầng sinh môn của sản phụ phải được rửa bằng nước sạch và xà phòng. Bàn sinh phải sạch. Dụng cụ sinh, gạc, chỉ phải vô trùng và chỉ dùng một lần. b. Săn sóc rốn: Rốn là cửa ngõ chính để vi trùng xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh và gây nhiễm trùng sau sinh. Cần chăm sóc rốn mỗi ngày, nhất là khi rốn đã bị nhiễm trùng. Nên tháo bỏ kẹp rốn khi rốn đã khô teo. Không nên băng kín rốn. Nếu rốn rỉ dịch kéo dài sau khi rụng rốn, phải lưu ý xem có nhiễm trùng rốn không và chồi rốn như thế nào. Dung dịch dùng sát trùng rốn là cồn 70 độ. 2. Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh Các hồi sức cơ bản như giữ ấm, thông đường thở, giúp thở bằng bóng và mặt nạ có hiệu quả sẽ cứu sống được hơn 3/4 trẻ sơ sinh bị ngạt. Các bước hồi sức sơ sinh phải được làm ngay trong phút đầu sau sinh nếu thấy trẻ sơ sinh không khóc, không thở hoặc thở nấc trong vòng 30 giây sau sinh. 3. Phòng ngừa và điều trị hạ thân nhiệt Thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh từ 36,5 đến 37,5oC. Tuy nhiên, nguy cơ hạ thân nhiệt sơ sinh có thể xảy ra ở tất cả các vùng khí hậu. Dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt là bàn chân của trẻ lạnh, tím. Mỗi trẻ sơ sinh hạ thân nhiệt nên được đánh giá về tình trạng nhiễm trùng, vì hạ thân nhiệt có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng. Phòng ngừa hạ thân nhiệt bằng cách nên đo thân nhiệt thường xuyên và đều đặn cho những trẻ nhẹ cân hay trẻ bị bệnh. Đảm bảo dây chuyền giữ ấm, bao gồm: Phòng sinh ấm (>25oC). Lau khô trẻ ngay sau sinh. Tiếp xúc mẹ - con da qua da. Cho trẻ bú mẹ sớm. Hoãn tắm trẻ sớm, tốt nhất là tắm trẻ vào ngày thứ 2 hoặc ngày thứ 3 sau sinh. Cho trẻ mặc quần áo ấm. Giữ ấm khi di chuyển và khi hồi sức, vì trẻ sinh ngạt không thể sinh nhiệt hiệu quả. 4. Nuôi con bằng sữa mẹ sớm và hoàn toàn Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, chứa nhiều kháng thể giúp cơ thể trẻ chống lại sự nhiễm trùng. Cữ bú đầu nên thực hiện sớm, trong vòng 1 giờ sau sinh, cho trẻ bú theo nhu cầu, không cho trẻ sơ sinh dùng các thức uống khác. Cần hỗ trợ tâm lý cho bà mẹ, hướng dẫn bà mẹ tư thế cho trẻ bú đúng. 5. Phát hiện dấu hiệu bệnh và điều trị trẻ sơ sinh bệnh Các dấu hiệu nguy hiểm gồm: Bú kém, thở nhanh, co kéo, lừ đừ, ói ọc, tiêu chảy, chướng bụng, co giật vàng da trong hai ngày đầu sau sinh. Chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân: Giữ ấm và bú mẹ là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc chăm sóc. Nguồn hơi nóng tốt nhất là cơ thể mẹ và thực phẩm tốt nhất là sữa mẹ. Hãy để trẻ tiếp xúc da qua da với mẹ thì trẻ sẽ được cung cấp hơi ấm cần thiết và nên cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên. Trẻ càng sinh non thì càng có nhiều vấn đề khó khăn như về nuôi ăn do trẻ bú yếu, về vấn đề hô hấp do phổi còn non, vàng da nặng do gan chưa trưởng thành và xuất huyết não do não chưa trưởng thành. Chăm sóc mắt: Trẻ có thể bị viêm kết mạc sơ sinh do mẹ bị nhiễm trùng âm đạo trước sinh. Tỷ lệ bà mẹ truyền lậu cầu sang con là 30-50%. Viêm kết mạc có thể phòng ngừa bằng cách dùng dung dịch nitrat bạc 1% nhỏ mắt trong vòng 1 giờ sau sinh. Phát hiện dị tật bẩm sinh: Thường xảy ra ở 3-4% trẻ sinh ra đời. Khiếm khuyết ống thần kinh và thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh là khiếm khuyết thường gặp ở các nước đang phát triển hơn là các nước tiên tiến. Có thể phòng ngừa bằng cách cho mẹ dùng thêm acid folic và iốt trước khi có thai và trong suốt thời gian mang thai. 6. Tiêm chủng: Nên chích ngừa BCG sớm, ngay sau sinh. Từ năm 1997, vacxin viêm gan B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia của các nước. BS. CAM NGỌC PHƯỢNG (Bệnh viện Nhi Đồng I - Sức khoẻ Đời sống)
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Kiểm tra tim giúp tránh 1/10 ca đột tử (6/9)
 Giảm nguy cơ ngạt thở ở trẻ (15/8)
 Các vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non rất nhẹ cân (15/8)
 Trẻ sinh ra lúc nửa đêm dễ tử vong (4/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i