Vào dịp đầu Xuân, trẻ em và những người chưa lập gia đình thường được tặng phong bao lì xì từ các cặp vợ chồng, hay ông bà già với lời chúc may mắn và hạnh phúc cho một năm mới.. Tục mừng tuổi thể hiện tình yêu thương của ông bà dành cho các cháu, với hy vọng chúng sẽ hạnh phúc và may mắn trong cả năm.
Lì xì lấy may đối với trẻ nhỏ trong năm mới là một điều nên làm, nhưng ngày nay phong tục này ít nhiều bị bóp méo khi đây đó người ta quá đặt nặng giá trị vật chất của các phong bao lì xì, hay xem đó là một cơ hội để "biếu xén" cha mẹ hơn là mừng tuổi cho trẻ nhỏ.
Không nên lì xì nhiều tiền cho trẻ
Để trẻ không coi lì xì là việc "cho tiền", người lớn không nên mừng tuổi trẻ bằng tiền mệnh giá cao. Việc lì xì nhiều tiền vô tình tạo cho trẻ thói quen sử dụng số tiền lớn và tự do, trái với ý thức tiết kiệm. Nguy hiểm hơn, điều đó có thể hình thành cho trẻ ý thích có nhiều tiền nhưng không bằng con đường lao động chân chính
Mặt khác, việc lì xì nhiều tiền sẽ tập cho trẻ thói quen so bì không đúng, gây khó khăn cho việc giáo dục nhân cách, giao tiếp trong gia đình, xã hội. Do đó, nên trả tập quán lì xì về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó là "chúc may mắn", "chúc sức khỏe".... chứ không phải để tiêu xài. Cho vào phong bao những đồng tiền mới, đẹp chứ không cần có giá trị lớn.
Hoặc thay vì tiền, người lớn có thể lì xì cho trẻ bằng một món quà nhỏ khác, phục vụ cho việc học tập, giải trí, mở mang kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, như sách, đồ chơi, dụng cụ học tập, đĩa DVD có nội dung giáo dục...
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thảo luận và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền lì xì một cách bổ ích, thiết thực và phù hợp, coi đây là cơ hội để giáo dục cho trẻ ý thức tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.
Giúp bé hiểu giá trị và biết sử dụng tiền lì xì
Trẻ từ 4 tuổi trở lên đã biết khẳng định quyền sở hữu của mình đối với những thứ trẻ cho là thuộc về bản thân. Do đó, bạn cân nhắc kỹ chuyện con có được giữ tiền lì xì hay không.
Việc trẻ em hay người lớn giữ tiền lì xì cũng tuỳ từng gia đình. Người lớn không nên áp đặt rằng: tiền phải do mẹ, hoặc bố quản lý! Đơn giản là, một khi đó là tiền mừng tuổi, mừng lộc đầu xuân của người thân cho trẻ là của trẻ và trẻ có quyền của mình. Nhưng vì các cháu còn nhỏ nên người lớn có thể giữ hộ trẻ nhưng cần có sự thoả thuận, sự đồng ý của trẻ. Cha mẹ có thể nói: "Tuỳ con, con giữ cũng được hay để cha/mẹ giữ hộ con cũng được!". Có điều, khi trẻ đã tin cậy và gửi người lớn giữ hộ thì người lớn cũng nên giữ lời hứa, đừng gây "khó dễ" khi trẻ cần được sử dụng đồng tiền ấy.
Khi trẻ đã đồng ý "ủy quyền" cho cha mẹ giữ tiền lì xì của mình, bạn có thể giúp con làm một cuốn sổ tay ghi chép những gì bé chi dùng vào số tiền ấy. Sau mỗi lần dùng tiền, bạn nên công khai cùng bé các khoản chi để bé có ý thức sử dụng quỹ tiết kiệm của mình một cách hợp lý và cảm thấy tin tưởng vào sự giúp đỡ của cha mẹ mình. Nhưng nếu bé không đồng ý đưa hết số tiền lì xì, bạn có thể thoả thuận sẽ cùng mua một món đồ chơi tương ứng với khoản tiền nào đó, khoản còn lại sẽ giữ hộ bé và mua dần vào các lần sau. Tuyệt đối không nên vì chiều con mà cho trẻ dùng tiền lì xì một cách thoải mái, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ.
Tuy nhiên, bố mẹ nên định hướng để trẻ sử dụng đồng tiền có ý nghĩa, để niềm vui "Mừng tuổi " được nhân lên thành nhiều niềm vui hơn. Đối với những trường hợp bạn cho là hợp lý, chẳng hạn bé cần tiền để mua sắm đồ dùng học tập mới, mua sách vở học tập, quyên góp giúp đỡ các bạn nhỏ khó khăn...thì bạn nên ủng hộ con và giúp bé đưa ra mức chi tiêu phù hợp. Khi bố mẹ tỏ ra là những người hiểu biết, tin cậy, sẵn sàng lắng nghe thì con cái cũng rất dễ dàng chia sẻ, trao đổi điều này. Vì thế, việc sử dụng đồng tiền sẽ hữu ích hơn.
Còn nếu trẻ sử dụng tiền mừng tuổi để chơi điện tử, mua đồ chơi phung phí...có thể gây hưởng đến sức khoẻ và việc học tập của các em thì đồng tiền lì xì sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Cha mẹ nên giám sát và không nên khuyến khích trẻ làm như vậy. Việc sử dụng đồng tiền vào mục đích tích cực sẽ làm tăng niềm vui nhân dịp năm mới đối với không chỉ trẻ em mà cả gia đình.
Theo WTT