Chị Hương vô cùng bối rối khi nhóc mới 2 tuổi nhà mình thể hiện rõ sự "khó tính, khó nết", luôn bướng bỉnh, sẵn sàng đánh người khác, ném đồ vật khi không bằng lòng, lăn đùng ăn vạ lúc không vừa ý...
Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ mất khả năng tự kiểm soát và trở nên cáu kỉnh, đó là vì trẻ đang cảm thấy khó chịu vì sự đảo lộn mà bạn đang gây ra cho bé. Vậy phải làm sao?
Ít nói "không"
Trẻ tuổi chập chứng rất dễ nản lòng mỗi khi nghe người lớn nói "không" trong tất cả mọi thời điểm, hoàn cảnh như khi bé muốn lấy cái cốc bé nhìn thấy trên bàn, ăn đồ ăn mẹ cầm trên tay, chạy như bay ở một khu đất rộng....
Nếu người lớn dành thời gian để lắng nghe cũng như chấp nhận những đòi hỏi hợp lý và có thái độ tích cực hơn trong các câu trả lời thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn về mặt cảm xúc của đứa trẻ.
Ví như khi trẻ bới tung đống quần áo bạn đang gấp, hãy nói: "Con giúp mẹ à? Con ngoan quá nhưng để mẹ gấp nhanh chỗ quần áo này rồi mình đọc truyện/vẽ hay chơi trốn tìm nhé". Chắc chắn cách nói này sẽ làm bé dễ chịu (dù có thể không vâng lời) hơn là tuyên bố thẳng thừng "Không! Để yên cho mẹ gấp quần áo nào. Mẹ còn bao nhiêu là việc khác phải làm".
Hãy nhớ, thái độ của bạn sẽ quyết định cảm xúc của bé.
Khuyến khích vận động thể lực
Trẻ nhỏ luôn dư thừa năng lượng và cách tốt nhất là giúp trẻ giải phóng chúng qua các hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, đá bóng, trượt cầu trượt....
Nếu bé nhà bạn đã tiêu hao bớt năng lượng trước khi cùng bạn đi đâu đó như tới nhà hàng hay ngồi trong ô tô... thì chắc chắn, bé sẽ ngồi yên hoặc giữ được sự ngoãn trong một thời gian nhất định.
Lưu ý là không nên yêu cầu bé phải "giữ phép lịch sự" bằng cách trật tự quá lâu đấy nhé (ngoài 30 phút). Hãy xen kẽ thời gian ngồi yên 1 chỗ với việc cho phép trẻ chạy nhảy, khám phá một đồ vật nào đó trong tầm mắt.... Như thế bạn sẽ không phải bực mình, liên tục nói "không" với trẻ nhằm chấm dứt sự quấy rầy mà dường như bé cố tình gây ra.
Chuẩn bị kỹ mọi tình huống
Nếu có một chuyến đi dài hay tới thăm một người quen ở xa thì tốt nhất là nên chuẩn bị trước các nhu cầu của bé. Đó là mang các thức ăn dành cho trẻ để phòng bé yêu của bạn bị đói. Cho bé ăn trưa sớm hơn "lịch ăn" hằng ngày. Mang bút màu và sách tô để bé luôn bận rộn.
Nếu bạn đi mua sắm thì tốt nhất là nên tránh xa các quầy hàng bánh kẹo và bim bim bởi chúng chính là "thủ phạm" khiến cơn giận ở trẻ có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, để giảm thiểu sự mè nheo, lăn đùng ra ăn vạ vì không được đáp ứng nhu cầu, hãy cho phép bé tự chọn một món hàng nào đó khi đưa bé vào siêu thị.
Luôn nhất quán trong nguyên tắc
Hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ ngạc nhiên khi biết trẻ hiểu rõ như thế nào về những điều bạn phản ứng trước những mong đợi của chúng.
"Hãy cất các khối xếp hình sau khi con chơi thì mẹ sẽ cho xem hoạt hình tối" có thể được nhắc đi nhắc lại sau khi trò chơi kết thúc. Nếu bé tỏ ra cáu kỉnh, hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng nhắc lại nguyên tắc này cho đến khi bé tuân thủ.
Khi đó, bé sẽ học được gì? Đó là tính kỷ luật và dần dần, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi chúng phải "đối mặt" với những tình huống ít được lựa chọn như vậy.
Hiểu rõ nhu cầu của bé
Những trẻ hiếu động cũng là những trẻ thường dễ nổi cáu nhất. Đó là bởi những người chăm sóc chúng không hiểu được nhu cầu vận động, vốn mang tính bản năng trong cơ thể của những đứa trẻ này; luôn áp đặt, cấm đoán, không đáp ứng các nhu cầu mang tính chất sinh lý nhiều hơn tâm lý của trẻ.
Vì thế, nếu bé khăng khăng đòi xem hoạt hình thì có thể là bé đang buồn ngủ. Nếu bé đòi ăn kẹo mút thì có thể là bé đang đói. Chỉ khi các nhu cầu ẩn phía sau những đòi hỏi "vô lý" và "không tốt" kia được đáp ứng thì tình trạng mè nheo, bực tức của trẻ cũng sẽ sớm chấm dứt.
Khuyên khích trẻ giao tiếp
Các cô cậu bé tuổi chập chững thường chưa đủ vốn từ để bày tỏ cảm xúc và nỗi thất vọng của mình. Khi sự cáu kỉnh, bực bội của bé tạm lắng, hãy ngồi xuống và nói cho bé biết về cảm giác của bé và nhấn mạnh các từ ngữ biểu lộ cảm xúc của chính bạn.
Ví như khi bạn đưa bé về nhà trong khi bé đang chơi ở nhà hàng xóm, bé có thể sẽ ì ra, khóc toáng lên rồi vùng vẫy khi bạn nhấc bé lên. Hãy ôm chặt bé vào lòng, để cho cơn bực của bé dịu xuống rồi nói: "Con không muốn về nhà và vì thế con đã hét và khóc ầm ĩ đúng không? Những việc làm đó không giúp ích gì đâu và mẹ không thích chút nào". Sau đó, bạn có thể nói: "Con muốn sang nhà An chơi vào ngày mai không?"...
Hãy dạy trẻ cách đưa ra đề nghị thay vì đòi hỏi và khi bạn đề nghị bé làm việc gì hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực như: "Con nhặc đồ chơi lên nào!" thay vì nói: "Đừng có ném đồ chơi lung tung khắp phòng thế này".
Học cách chú ý và phớt lờ
Nào, giờ hãy nhớ lại những cách bạn đã làm trong 1 tình huống nào đó và thử phân tích xem điều gì đã khiến bé lăn đùng ra ăn vạ hay đánh, đá mọi người....
Trong một số trường hợp, cơn giận của bé có thể do trẻ bức bối vì không được chạy nhảy, giải phóng năng lượng thừa; cũng có thể là do trẻ thấy sợ hãi mơ hồ.
Đôi khi cách tốt nhất là phớt lờ sự bùng nổ cảm xúc của bé, tất nhiên là những hành động bé gây ra không làm bé bị đau, đặc biệt nếu bạn ở nhà và nghĩ rằng bé đang gây sự chú ý hơn là thiếu một nhu cầu nào đó.
Có lúc, sự chú ý đúng mức của bạn lại có thể kìm giữ bé không bùng phát sự giận dữ tốt hơn là phớt lờ. Nếu bé được đi siêu thị với bạn, ở 15 phút cuối cùng, trong khi bạn đang mải mê ở quầy rau quả thì cũng đừng quên hỏi bé "Đây là quả gì? Nó màu gì í con nhỉ?... và lắng nghe trẻ chăm chú để bé không cảm thấy buồn chán. Sẽ hiệu quả hơn nữa nếu bạn trò chuyện với bé, mô tả chi tiết các loại rau quả mà bạn đang mua cho bé nghe.
Hãy là tấm gương của con
Đừng tỏ ra giận giữ, kêu hét thất thanh trước mặt trẻ. Bé sẽ nhanh chóng "nhặt" những nét biểu cảm đó của bạn và cố gắng bắt chước đấy.
Nếu cảm thấy mình đang mất tự chủ, hãy nhanh chóng rời khỏi phòng, hít thật sâu và cố gắng hành động theo lý trí.
Theo Dân Trí