NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
Số 90/CP, ngày 21/8/1997
Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
(Đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kì tháng 3 năm 1997)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ CHUNG
Xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hóa và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân.
Xã hội hóa là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Ở mỗi địa phương, đây là cộng đồng trách nhiệm của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân.
Xã hội hóa và đa dạng hóa các hình thức hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc củng cố các tổ chức của Nhà nước, cần phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc các cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đa dạng hoá chính là mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động trên.
Xã hội hóa là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu qủa các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hóa, bởi vì giáo dục, y tế , văn hóa là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.
Xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách nhà nước; trái lại, Nhà nước tìm thêm các nguồn thu để tăng tỉ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lí tốt để nâng cao hiệu qủa sử dụng các nguồn kinh phí đó.
Thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Công bằng xã hội không chỉ biểu hiện về mặt hưởng thụ , tức là người dân được xã hội và Nhà nước chăm lo; mà còn biểu hiện về mặt người dân đóng góp, cống hiến cho xã hội theo khả năng thực tế của từng người, từng địa phương.
Thực hiện công bằng trong chính sách xã hội phải vận dụng các nguyên tắc điều chỉnh và ưu tiên ; nhất thiết phải ưu tiên đối với người có công, phải trợ giúp người nghèo, vùng nghèo, người có công, có cống hiến nhiều hơn, được xã hội và Nhà nước chăm lo nhiều hơn.
Công bằng xã hội trong việc huy động các nguồn lực của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, xã hội không phải là huy động bình quân, mà là vận dụng cách huy động và mức huy động tùy theo các lớp người có điều kiện thực tế khác nhau, có mức thu nhập khác nhau. Những người thuộc diện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được miễn giảm phần đóng góp.
Công bằng xã hội còn được thực hiện thông qua việc phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, người giàu giúp người nghèo, vùng giàu giúp vùng nghèo. Phát triển nhiều loại quỹ do nhân dân đóng góp tự nguyện làm việc nghĩa, như quỹ khuyến học, quỹ từ thiện … Nhà nước ban hành quy chế thành lập và quản lí các quỹ này theo hướng phát huy khả năng tự quản và giám sát của những người đóng góp, thực hiện chế độ công khai hóa thu – chi.
Thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa với quan niệm đúng đắng về công bằng xã hội chính là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng.
II: XÃ HỘI HÓA LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Nội dung của cuộc vận động toàn dân tham gia sự nghiệp giáo dục bao gồm:
Tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội theo nhiều hình thức ; vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập.
Vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục ngoài xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp… đối với sự nghiệp giáo dục.
Nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân đối với giáo dục nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục để phục vụ tốt việc học tập của nhân dân.
2. Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục và đào tạo:
a. Bên cạnh việc củng cố các trường công lập giữ vai trò chủ đạo, lấy đó làm nồng cốt, cần mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình trường ngoài công lập, tạo cơ hội cho mọi người nâng cao trình độ tiếp cận được những kiến thức mới, tiến bộ khoa học kĩ thuật để vận dụng trong công việc và vào đời sống hằng ngày ; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển giáo dục từ xa … Hoàn thiện các cơ chế quản lí đánh giá kết quả, chất lượng học tập.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi.
Tỉ lệ hướng dẫn( mang tính định hướng, không có tính bắt buộc) về mức độ phát triển bán công, dân lập và tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là: đại bộ phận giáo dục mầm non; 10-15% đối với cấp tiểu học ; 25% đối với cấp trung học cơ sở ; 50% đối với cấp trung học phổ thông.
Chuyển giao các trường trung học chuyên nghiệp đào tạo ngành hẹp cho các tổng công ty, công ty nhà nước trực tiếp quản lí, gắn đào tạo với đơn vị sử dụng. Đối với các tổng công ty lớn, có nhu cầu phát triển nhanh về nhân lực, cho phép nâng cấp các trường trực thuộc lên cấp cao đẳng trên cơ sở tổng công ty tự trang trải kinh phí.
Chuyển dần các trung tâm dạy nghề công lập sang hình thức bán công, phát triển các trung tâm dạy nghề dân lập và tư thục; gắn đào tạo nghề với thị trường, với doanh nghiệp.
Củng cố các trường đại học dân lập hiện có, cho phép lập thêm trường đại học dân lập ở một số địa phương có nhu cầu và khả năng quản lí.
Ban hành các chính sách cụ thể hổ trợ các trường ngoài công lập có điều kiện hoạt động tốt như: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện về đất để các trường ngoài công lập xây dựng trường sở, các cơ quan nhà nước cho các trường ngoài công lập thuê các cơ sở, công trình hiện có để làm trường sở học tập, nhân dân góp cổ phần để xây dựng trường ngoài công lập ; Ngân hàng cho trường ngoài công lập vay vốn theo điều kiện ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở mua sắm thiết bị giảng dạy, học tập; cho phép các giáo viên đang dạy ở các trường công, các nhà khoa học ở các viện được tham gia dạy ở các trường ngoài công lập. Các giáo viên trường công khi chuyển sang các đơn vị bán công, dân lập, tư thục được tiếp tục hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội.
b. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cần cải tiến chế độ học phí, huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và của các tổ chức sản xuất, kinh doanh.
c.
Việc huy động nhân dân tham gia đóng góp cho giáo dục phải được xem xét một cách kĩ lưỡng, căn cứ vào mức sống và khả năng của dân ở từng vùng, từng địa phương trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội, có chính sách học phí phù hợp, đồng thời có chính sách trợ cấp xã hội và cho vay vốn để đi học.
Điều chỉnh mức học phí ở các trường phổ thông tại các địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và vùng có thu nhập bình quân cao( trên mức thu nhập bình quân cả nước); thu học phí thấp hơn đối với vùng có thu nhập bình quân thấp ( dưới mức thu nhập bình quân cả nước ); miễn học phí đối với vùng sâu, vùng xa. Nâng mức học phí ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Việc thu học phí ở các trường cùng với kinh phí do ngân sách cấp phải đáp ứng được nhu cầu chi, bảo đảm mức lương thỏa đáng cho giáo viên; chấm dứt việc thu tiền của học sinh một cách tuỳ tiện, kể cả việc thu tiền dạy thêm trái đạo đức và nguyên tắc sư phạm.
Thủ tướng Chính phủ quy định khung học phí, cơ chế thu và sử dụng học phí, giao quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hiệu trưởng trường đại học quyết định mức học phí cụ thể ở từng địa phương, từng trường đại học.Ngoài học phí, tất cả các trường học chỉ được thu hai khoản: đóng góp xây dựng trường sở, lệ phí tuyển sinh và thi. Bộ giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chung và quy định thẩm quyền quyết định mức thu hai khoản này.
d. Phân bố hợp lí mạng lưới giáo dục theo vùng địa lí kinh tế, theo nhu cầu và khả năng phát triển của địa phương.
Định rõ trách nhiệm và thẩm quyền quản lí của Uỷ ban nhân dân địa phương đối với giáo dục và đào tạo trên địa bàn, quyền tự chủ và trách nhiệm của các trường đào tạo do Trung ương quản lí.
e. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, xử lí tốt mối quan hệ giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Ban hành hệ thống tiêu chuẩn về hoạt động giáo dục và đào tạo. Các phương án đổi mới về giáo dục và đào tạo phải được cân nhắc, xem xét về tác động xã hội và tài chính.
Nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cải tiến nội dung và việc in sách giáo khoa để có thể dùng được nhiều năm.
Tăng nhanh chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các trường sư phạm; chú trọng tăng cường giáo viên cho các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.
đ) Bố trí và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII.
Ưu tiên sử dụng tập trung ngân sách cho các yêu cầu: đào tạo, bồi dưỡng và cải cách chính sách tiền lương cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ; các ngành đào tạo mũi nhọn và bồi dưỡng nhân tài ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cải tiến cách thức phân bổ và cơ chế quản lí ngân sách giáo dục.
- Phân bổ ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo địa phương căn cứ vào đặc điểm địa phương( yêu cầu phát triển giáo dục, hoàn cảnh địa lí, mật độ dân cư, khả năng kinh tế địa phương và khả năng đóng góp của nhân dân). Phần ngân sách dành cho đào tạo ở Trung ương được phân bổ theo ngành nghề đào tạo và quy mô học sinh, sinh viên.
- Giảm chi tiêu hành chính, hạn chế hội họp, dành tiền cho các khoản chi trực tiếp phục vụ giảng dạy – học tập.
- Tiếp tục cải tiến chế độ học bổng, trợ cấp xã hội và tín dụng đào tạo để bảo đảm cho người nghèo có điều kiện học. Nâng cao mức học bổng dành cho học sinh và sinh viên giỏi và học bổng cho các ngành học cần khuyến khích.
- Phát triển các quỹ khuyến học do nhân dân tự nguyện đóng góp và Nhà nước có thể tài trợ một phần để trợ giúp người nghèo đi học.
- Quy định nghĩa vụ đóng góp của các doanh nghiệp cho các hoạt động giáo dục và đào tạo, căn cứ vào doanh thu, số lượng và trình độ đào tạo của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp. Những khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho hoạt động giáo dục và đào tạo không tính vào doanh thu, lợi nhuận chịu thuế. Bộ tài chính chuẩn bị để Chính phủ ban hành một Nghị định về vấn đề này.
f. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hợp tác giáo dục với nước ngoài để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Cho phép một số trường đại học hoặc tổ chức giáo dục nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài được mở trường tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Cho phép các trường đại học trong nước mời giáo viên nước ngoài, giáo viên là người Việt Nam sống ở nước ngoài vào giảng dạy.
Sử dụng một phần ngân sách và viện trợ của nước ngoài để gửi cán bộ giảng dạy của ta đi bổ túc trình độ ở nước ngoài, gửi sinh viên được tuyển chọn đi nước ngoài học những ngành và cấp học cần thiết.
g) Tổ chức sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục.