Luật Giáo dục
Của Quốc hội số 11/1998/QH10 ngày 2 tháng 12 năm 1998
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân.
Để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục.
Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân
Hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
1. Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;
2. Giáo dục phổ thông có hai bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học; bậc trung học có hai cấp học là cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông;
3. Giáo dục nghề nghiệp có trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
4. Giáo dục đại học đào tạo hai trình độ là trình độ cao đẳng và trình độ đại học; giáo dục sau đại học đào tạo hai trình độ là trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Phương thức giáo dục gồm giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy.
Điều 18. Giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.
Điều 19. Mục tiêu của giáo dục mầm non
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Điều 20. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non
1. Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo và người trên; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học.
2. Phương pháp chủ yếu trong giáo dục mầm non là thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp trẻ em phát triển toàn diện; chú trọng việc nêu gương, động viên, khích lệ.
Điều 21. Cơ sở giáo dục mầm non
Cơ sở giáo dục mầm non gồm:
1. Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi;
2. Trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi;
3. Trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và trường mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.
Điều 47. Thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường
1. Thẩm quyền thành lập nhà trường được quy định như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề thuộc tỉnh;
c) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề trực thuộc;
d) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường cao đẳng, trường dự bị đại học;
đ) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường đại học.
2. Cấp nào có thẩm quyền quyết định thành lập thì cấp đó có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường.
Chính phủ quy định cụ thể về thủ tục đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường
Điều 48. Điều lệ nhà trường
1. Nhà trường được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và Điều lệ nhà trường.
2. Điều lệ nhà trường phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường;
b) Tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường;
c) Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo;
d) Nhiệm vụ và quyền của người học ;
đ) Tổ chức và quản lý nhà trường;
e) Cơ sở vật chất và thiết bị nhà trường;
g) Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Điều lệ trường đại học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành Điều lệ nhà trường ở các bậc học, cấp học khác.
Điều 60. Các cơ sở giáo dục khác
Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác.
Điều 61. Nhà giáo
1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác.
2. Nhà giáo phải có những tiêu chuẩn sau đây :
a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;
b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;
d) Lý lịch bản thân rõ ràng.
3. Nhà giáo dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên; ở cơ sở giáo dục đại học và sau đại học gọi là giảng viên.
Điều 67. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;
c) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;
d) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng khác đối với giáo viên dạy các môn văn hoá, kỹ thuật, nghề nghiệp; có bằng tốt nghiệp trường dạy nghề, nghệ nhân, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đối với giáo viên hướng dẫn thực hành ở trường dạy nghề;
đ) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp đại học khác đối với giáo viên trung học chuyên nghiệp;
e) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng hoặc đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy, đào tạo thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo đào tạo tiến sĩ.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn.