Trên đường đi tập thể dục buổi sáng về, tôi đi sau hai bé gái khoảng mười một, mười hai tuổi. Vì hai đứa đối thoại quá lớn nên tôi vô tình nghe được.
- Hôm qua mày có xem tiếp phim… ấy không, kết quả ra sao?
- Có! Con…đó sau cùng bị thằng…giết chết!
Nghe câu chuyện giữa hai đứa bé tôi bổng giật mình vì cách các em gọi những nhân vật trong phim. Các em đã dung những từ “thằng” “con” “nó..” để chỉ những người đáng tuổi cha chú, anh chị của mình. Thật ra các em không đáng trách, có lẽ các em đã bị ảnh hưởng cách xưng hô này từ phía người lớn. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người lớn ngồi xem tivi và bình luận. Chính họ đã gọi những nhân vật trên màn ảnh bằng những từ khiếm nhã nêu trên, vô tình đã làm gương xấu cho các em.
Xã hội Việt Nam ta thường có cảnh “tam đại đồng đường”. Hãy nhìn một gia đình có cả già trẻ, lớn bé cùng quay quần xem tivi. Thỉnh thoảng người cha hoặc người mẹ thốt lên : “Thằng đó đá dỡ quá!” hay “con ấy hát dỡ ẹc!”. Ngày lại ngày, phải nghe những lời vàng ngọc như thế, các em cũng quen mồm là điều tất nhiên.
Trong những phương pháp giáo dục con người thì giáo dục ngôn ngữ là ưu tiên số một. Ngay từ .lúc trẻ vừa mới bập bẹ bi bô, thì ta đã tập cho trẻ biết: “A, kêu ba, kêu mẹ, kêu anh, kêu chị…” Tất cả những điều đó không ngoài mục đích dạy cho trẻ lễ phép, giúp trẻ có nhận thức phân biệt người trên, kẻ dưới. Chính những hình thái xem ra “sơ đẳng” ấy lại là hình thái hình thành nhân cách trẻ sau này. Ấy thế mà có một số phụ huynh lại vô tình phá đi thành quả giáo dục của chính mình, khi để con em xưng h ô với người lớn như “cá mè một lứa”. Đến một gia đình nào đó, chỉ cần xem cách trẻ nhà đó nói chuyện, xưng hô với nhau thì ắt biết gia phong nhà ấy thế nào.
Theo Phụ Nữ CN.
|