Hình thức kỷ luật mà bạn chọn để phạt con phải phù hợp với từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể. Khi nào thì nên phạt con và phạt bằng cách nào thực sự là một vấn đề đối với các bậc cha mẹ. Phải dùng đến ngọn roi với đứa con thân yêu thật là “cực chẳng đã”, nhưng đồng thời, nói như một nhà thơ nào đó, thì “tre non giờ không uốn, biết thế nào mai sau?”…
Trẻ từ 4 đến 6 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ hay khám phá thế giới xung quanh. Vì thế: đánh đổ sữa, làm rách quần, phá hỏng đồ chơi,… là những việc không thể tránh khỏi. Đối với những lỗi này, bạn nên yêu cầu trẻ điều chỉnh chứ không nên trách phạt. Đôi khi, bạn chỉ cần biểu hiện sự phản đối bằng một cái nhìn, hoặc một vài từ kiên quyết là đủ. Bạn hãy khuyến khích hành vi tự sữa chữa của trẻ như: nếu làm đổ sữa, trẻ sẽ tự dọn đi ngay (mặc dù sự dọn dẹp này chỉ là hình thức và bạn vẫn phải “ra tay” thu xếp lại “hiện trường”), nếu làm hỏng đồ chơi, trẻ phải biết xin lỗi… Hãy chứng tỏ cho trẻ thấy rằng nếu trẻ biết lỗi và có ý thức tự sữa chữa, lỗi lầm của trẻ sẽ được bạn bỏ qua, không có một sự trách phạt nào nữa. Ở lứa tuổi này, trẻ rất hay có xu hướng tỏ ra ngang bướng để thăm dò phản ứng và thái độ của cha mẹ, để được cha mẹ chú ý hoặc biểu thị ý thích cá nhân. Do đó, việc trách phạt trẻ lúc này, nếu có, phải được xác lập trên nguyên tắc: không tính thời gian. Có nghĩa là bạn không nhất thiết phải phạt ngay khi trẻ vừa mắc lỗi, nhiều đứa trẻ đã tỏ ra cáu kỉnh hoặc khóc òa lên để thăm dò phản ứng của cha mẹ và mong được bỏ qua, không bị phạt. Hãy phớt lờ những cơn la khóc làm dữ của trẻ, bạn có thể đặt trẻ ngồi trên một chiếc ghế nào đó, vẫn cư xử tốt với trẻ để trẻ có thời gian bình tĩnh trở lại, sau đó hãy nói từ từ cho trẻ hiểu và đưa ra những lời trách thích hợp. Cách phạt này dần dần sẽ giúp trẻ học cách tự điều chỉnh và chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
Trẻ từ 6 đến 10 tuổi
Ở tuổi này, trẻ tự điều chỉnh tốt hơn về hành vi của mình. Chúng tự chủ hơn, hiểu hơn về các giới hạn cũng như nguyên tắc mà cha mẹ đặt ra. Nhưng cũng vì lớn hơn nên trẻ càng muốn bộc lộ những quan điểm cá nhân và vì thế dễ phản ứng lại những mệnh lệnh của bạn.
Để khiến trẻ có trách nhiệm với những công việc chung của gia đình, với những việc vặt bạn giao thì những mệnh lệnh bạn đưa ra cho trẻ phải thật chính xác. Hãy nêu lên những nguyên tắc của bạn thật rõ ràng, ví dụ như: “Con trai, con chỉ được đi đá bóng sau khi đã làm xong bài tập!”, hoặc “Nếu hết phim mà con không đi ngủ ngay thì từ tối sau con không được phép xem phim nữa!”… Và để những nguyên tắc của bạn không bị trẻ bỏ qua, hãy luôn luôn làm tất cả những gì mình nói. Hãy kỷ luật trẻ như lời bạn đã báo trước mỗi khi trẻ vi phạm để trẻ hiểu rằng bạn nghiêm túc. Nhưng ngoài việc phạt trẻ vì hành vi “trái nguyên tắc” như đã nêu, trong những sinh hoạt hàng ngày khác, bạn vẫn phải đối xử với trẻ âu yếm, và yêu thương như bình thường. Nếu không, rất dễ dẫn đến việc trẻ cảm thấy tủi thân và dần xa lánh bạn.
Những việc không nên phạt
Bạn không nên phạt trẻ nếu trẻ nói tếu, nói đùa. Trẻ con thường học từ người lớn, từ những người xung quanh một cách rất nhanh chónh nhưng hoàn toàn vô thức. Nếu bạn thấy trẻ con đọc xuyên tạc một bài hát nào đó thì bạn nên hiểu rằng có một người lớn nào đó sống bên trẻ đã đọc cho trẻ nghe, sau nữa thì đó không phải là một tính xấu, chỉ là một trò đùa của trẻ con. Chỉ cần nhắc trẻ không làm như thế, rằng làm như thế chứng tỏ trẻ không phải là một đứa trẻ ngoan và bạn sẽ không hài lòng, thế là đủ.
Nếu trẻ lóng ngóng tay chân, làm vỡ, làm đổ…các vật, bạn không nên phạt trẻ. Nên hiểu rằng chúng chỉ lỡ tay chứ hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra. Hơn nữa, người lớn chúng ta cũng có đôi lúc lỡ tay đánh rơi vật này vật nọ, đúng không nào? Bạn hãy nhắc trẻ lần sau nên cẩn thận hơn, và có thể dạy trẻ cách cầm nắm cho đúng.
Không nên phạt trẻ khi trẻ bị điểm kém trong học tập, điều này sẽ làm cho trẻ bị áp lực, gây tâm lý nặng nề cho trẻ, trẻ sẽ chán ghét việc học và sợ hãi mỗi khi đến trường. Bạn có thể cùng trẻ xem lại lý do tại sao trẻ lại bị điểm kém, thiết lập một quy trình để khuyến khích sự cố gắng của trẻ, ví dụ như: giúp trẻ chuẩn bị bài trước ở nhà, sau khi trẻ làm xong bài tập có thể cho phép trẻ giải trí theo sở thích…
Trẻ có tính lơ đãng hay quá hiếu động đều gây khó cho bạn nếu muốn điều chỉnh hành vi của chúng. Nhưng nếu bạn phạt chúng mỗi khi chúng mắc lỗi thì sẽ khiến chúng hoặc là sẽ phản ứng lại hoặc là tự khép mình vào vỏ bọc riêng, nhút nhát, không cởi mở. Việc dạy dỗ một đứa trẻ có tính lơ đãng hoặc qua hiếu động cần phải hết sức kiên nhẫn, chịu đựng và trên hết là sự yêu thương.
(Tư vấn tiêu dùng)
|