Như Hànộimới Điện tử sáng ngày 12/2 đã đưa tin, trước tình hình dịch viêm phổi do virus ở người và dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) vừa có Công văn số 820/GDMN đề ngày 10/2/2004 gửi các Sở GD&ĐT trong cả nước, yêu cầu các Sở GD&ĐT “cần chỉ đạo các trường mầm non tuyệt đối không dùng các thực phẩm: thịt, trứng gia cầm để chế biến cho trẻ ăn”. Trước thực trạng ấy, các trường mầm non ở Hà Nội đã có chuẩn bị gì?
Có thể nói trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch cúm gà đang có tốc độ phát triển nhanh như hiện nay có thể ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và tính mạng con người, nhất là đối tượng trẻ em có sức đề kháng yếu, thì việc chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa của Bộ GD-ĐT là rất cấp thiết. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là dù tính “khẩn cấp” của vấn đề dường như đều được mọi người hiểu rõ thì tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT lại được thực thi quá chậm. Theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới Điện tử, cho đến trưa ngày 12/2 (tức là 2 ngày sau khi Công văn 820/GDMN được ký) Sở GD-ĐT Hà Nội, đơn vị nằm ngay gần Bộ GD-ĐT, vẫn còn chưa nhận được văn bản này.
Theo công văn nói trên, Vụ GDMN yêu cầu các cơ sở GDMN phải tăng cường vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh nơi ở, sinh hoạt vui chơi, sân vườn và đồ chơi của trẻ. Đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý nơi vệ sinh, rác thải, tránh là nơi phát sinh ruồi, muỗi lây lan bệnh tật. Những nơi có tổ chức ăn uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tăng cường các hoạt động giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ, chú ý rèn thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi về việc triển khai các biện pháp trên tại địa bàn thành phố Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hoài An - chuyên viên Phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hà Nội) - tỏ ra rất bỡ ngỡ về văn bản mới nhất này của Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, chị Hoài An khẳng định, Sở đã “đi trước” với việc ngay từ đầu tháng 2 khi diễn biến dịch cúm gà còn phức tạp, để bảo đảm sức khỏe cho thầy và trò, Sở GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các đơn vị áp dụng một số biện pháp cần thiết.
Cũng với tinh thần trên, tại một số trường mầm non mà chúng tôi tìm đến như trường Mẫu giáo Hữu nghị Việt Triều, trường Mầm non 20 - 10 đều "đi trước" một bước, chưa đợi Sở có công văn đã chủ động tăng cường biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho trẻ và có thay đổi chế độ ăn.
Đến trường Mầm non 20 - 10 vào đúng bữa ăn chiều của trẻ. Theo thường lệ, các cháu thường được ăn cháo gà vào bữa này, nhưng hôm nay, thay vào đó là món cháo lươn. Cô hiệu trưởng Trần Thị Hoà cho biết: "Trước khi có chỉ thị của Sở, theo những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Ban giám hiệu của trường đã chủ động liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm để cùng với phụ huynh học sinh phòng dịch tốt cho các cháu. Bát đĩa cho các cháu ăn được ngâm trong dung dịch cloramin sát trùng trước khi rửa sạch. Trẻ được nhỏ thuốc mũi 2 lần một tuần ở trường và trường cũng hướng dẫn phụ huynh nhỏ cho các cháu ở nhà. Ngoài ra, trẻ được xúc miệng bằng nước muỗi loãng hàng ngày, được hướng dẫn đeo khẩu trang…".
Những chủ đề mà trẻ sẽ phải tham gia trong những tuần gần đây như đi tham quan các loài động vật đã được thay bằng hình thức xem tranh, mô hình, đọc truyện để tránh sự tiếp xúc với trẻ. Chị Thanh Huyền, mẹ của cháu Mai Liên cười nói: "Về nhà, cháu bắt bố mẹ phải pha nước muối để cháu xúc miệng, cháu tự động nhỏ mũi, đánh răng… tự vệ sinh thân thể rất tốt".
Cô hiệu phó Nguyễn Thị Tâm, bác sĩ và phụ trách nuôi dưỡng cho các cháu cho biết: "Ngay từ đầu vụ dịch, nhà trường đã chủ động xây dựng một thực đơn bổ sung thay thế cho các món "truyền thống" như cháo gà, thịt gà, trứng… bằng cua, cá, lươn, tôm…". Tuy nhiên, do giá thực phẩm tăng khá nhanh nên khẩu phần ăn những ngày gần đây có giảm hơn trước. Nếu thực phẩm vẫn tiếp tục tăng giá như hiện nay, thì cuối tháng 2 này, Ban giám hiệu nhà trường sẽ họp với hội cha mẹ học sinh để nâng mức đóng góp lên. Mức ăn 4000đ/1 ngày như hiện nay không thể bảo đảm cho các cháu có một khẩu phần ăn đầy đủ như trước nữa.
Trường Mẫu giáo Hữu nghị Việt Triều, nơi hiện đang trông giữ 930 cháu, cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. "Nguồn thức ăn mà trường lấy đều có nguồn gốc rõ ràng, được nhập từ những địa chỉ có uy tín, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, những cơ sở này đều đã thông báo tăng giá bán lên. Dù việc tăng học phí lên là rất khó khăn nhưng thời gian tới, nhà trường bắt buộc phải tăng học phí lên để cung cấp một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu" - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh cho biết.
"Nếu thời tiết lạnh, nhà trường đã có chăn, đệm đầy đủ, giữ đủ ấm cho các cháu nhưng sợ nhất là vào những ngày trời nồm, ẩm giời, trẻ dễ ho nên chúng tôi phải thường xuyên giữ cho nhà cửa thông thoáng, tích tực hút bụi, lau chùi, tẩy trùng nhà cửa… giữ gìn vệ sinh cho các cháu" - Cô giáo Mai Hoa tỏ ý lo lắng.
Hiện nay, tại hầu hết các trường mẫu giáo đều có hiện tượng một số trẻ tạm thời nghỉ học. Tuy nhiên, đây chỉ là sự quá lo lắng của bố mẹ. Bởi trên thực tế, tại các trường chưa có trường hợp nào trẻ có dấu hiệu của mắc dịch. Các biện pháp y tế được tăng cường, có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình để bảo vệ sức khoẻ cho các cháu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn mà các trường đang gặp phải là nỗi băn khoăn có tăng học phí lên không khi giá thực phẩm tăng nhanh, mức đóng góp hiện nay không bảo đảm để có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu như trước nữa!
Triệu Hoa - Tuấn Anh
|