Các trò chơi giúp bé sẽ tìm hiểu được những điều thú vị về cuộc sống. Đồng thời, bạn có thể hướng dẫn bé phát triển các kỹ năng vận động theo cách tự nhiên nhất.
Giai đoạn 0-3 tháng tuổi
Đây là khoảng thời gian, bé vẫn còn quá nhỏ để tự mình tham gia các trò chơi. Tuy vậy, bạn có thể chọn lựa những loại đồ chơi có âm thanh và màu sắc sinh động phù hợp với bé sơ sinh.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đồ chơi không chỉ có tác dụng dỗ dành bé mà còn giúp bé nhận biết được các sự vật xung quanh mình từ rất sớm. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn tăng thêm sự gắn kết, thân mật với bé.
Vui thích với âm nhạc: Một trong những cách đơn giản để gây sự chú ý từ bé là đưa cho bé một món đồ chơi phát ra tiếng nhạc.
Chọn những loại có mức độ âm thanh vừa phải, êm dịu để không gây chói tai bé. Vừa chuyển động đồ chơi, bạn vừa tìm cách trò chuyện với bé.
Bé rất thích thú khi được giao tiếp với bạn và đặc biệt thích nghe tiếng nói lúc bạn lên cao giọng. Vì vậy, bạn nên giữ thanh âm lúc trầm lúc bổng kèm những từ “a, à”, kết hợp với nhịp điệu của chiếc lúc lắc hay tiếng chuông đồ chơi leng keng.
Gương mặt ngộ nghĩnh: Với bé, gương mặt bạn cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà bé chưa khám phá hết. Bé rất thích thú khi đưa bàn tay lên mặt bạn.
Lúc này, bạn có thể đùa nghịch vui vẻ cùng bé: Đặt ngón tay bé lên miệng bạn và nói “măm măm” hoặc để bé kéo tai hay sờ mũi bạn.
Trò chơi giúp bé phát triển thị giác: Bé sẽ thích thú khi được bấm ngón tay trên điện thoại. Do đó, bạn có thể chọn mua cho bé loại điện thoại đồ chơi có nhiều nút màu sặc sỡ. Tuy vậy, hai màu cơ bản mà mắt bé có thể nhận diện dễ dàng giai đoạn này là màu trắng và màu đen.
Bé cũng thích được bạn bế ra gần cửa sổ và quan sát mọi thứ xung quanh. Bạn có thể cho bé tắm nắng vào buổi sáng sớm, cách này vừa tốt cho sức khỏe bé, vừa giúp mắt bé phát triển.
Rèn luyện kỹ năng vận động chân tay: Khoảng 6 tuần tuổi: Bé rất thích thú nếu được bạn đưa cho vật gì đó để cầm. Những lúc như vậy, bé thường cầm đồ vật rất chắc trong tay. Ngoài ra, đôi chân của bé cũng liên tục cử động.
Vì vậy, bạn có thể cùng chơi với bé theo cách sau: Chọn đồ chơi là một quả bóng nhỏ có buộc dây. Mỗi lần bạn đung đưa quả bóng qua lại, bạn sẽ thấy bé bắt đầu ngọ nguậy chân tay. Luân phiên thay đổi vị trí cho quả bóng, để bé có thể dễ dàng chạm chân, tay vào đồ chơi.
Khoảng 10 tuần tuổi: Bé đã biết cách khám phá rất nhiều đồ vật xung quanh. Lúc này, nếu bạn đưa cho bé một món đồ chơi nhỏ, bé sẽ nhanh chóng tóm chặt lấy và ôm ghì vào người (Bạn nên chọn những loại đồ chơi vừa với tay bé, chất liệu mềm mại để không gây ảnh hưởng khi tiếp xúc với cơ thể bé).
Cùng chơi với bé: Đưa cho bé một món đồ chơi, khi bé đã cầm chặt, bạn đưa ra một món đồ khác và dụ bé tiếp tục tóm lấy.
Giai đoạn 3-6 tháng tuổi
Trò chơi với đôi tay: Khoảng 3 tháng tuổi, bé biết tự mình nắm và rung chiếc lúc lắc hoặc những loại đồ chơi phát ra âm thanh. Bé còn biết lúc lắc đầu theo nhịp điệu khi chơi. Ngoài ra, bé cũng đã phát triển thói quen cầm, ném đồ chơi.
Giai đoạn này, ngoài thú vui là đồ chơi, bé vẫn giữ niềm yêu thích được đưa tay lên sờ mặt bạn, nhất là khu vực xung quanh miệng.
Lưu ý: Bé bắt đầu thích khám phá đồ vật bằng cách tự động đưa lên miệng và mút. Do đó, bạn cũng cần lưu ý với kích cỡ, hình dạng, chất liệu để đồ chơi không gây độc hại hay làm tổn thương bé.
Vài động tác thể dục đơn giản cho bé: Bạn có thể giúp bé tập thể dục bằng cách nâng cả hai tay bé lên rồi hạ xuống nhịp nhàng hoặc nâng cánh tay bên trái đồng thời hạ thấp cánh tay bên phải như khi bạn đang tập thể dục.
Tương tự, lặp lại các động tác với đôi chân của bé. Bạn cũng có thể bế bé trên tay, lắc lư theo một điệu nhạc nhẹ nhàng.
Theo camnanggiadinh.com