Trẻ con ở lứa tuổi nào cũng thich đi ra ngoài và quan sát những thứ mới lạ. Dưới đây là một số cách biến thời gian dạo chơi trở nên vui vẻ đối với cả bố mẹ và con cái:
Trước khi đi, bạn hãy nói với con là sẽ đi tới đâu và sẽ thấy gì ở đó. Nhắc nhở con các nguyên tắc cư xử để con biết bạn sẽ mong đợi bé cư xử như thế nào.
Bạn hãy nhớ cân nhắc tới lứa tuổi của con. Con nhỏ thì thời gian đi dạo sẽ ngắn hơn. Tốt nhất là vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ trưa. Nếu bạn cần cho bé đi ra ngoài hơn 2 tiếng đồng hồ, thì bạn hãy đảm bảo bé có thời gian để nghỉ ngơi hoặc ít nhất cũng cần có thời gian yên tĩnh. Bạn hãy mang theo nhiều quần áo, đồ chơi nhỏ và sách, bữa ăn nhẹ và một chút gì đó để uống. Bạn hãy nói với con về những gì mà bạn và bé nhìn thấy. Điều này sẽ biến thời gian bạn ở bên con thú vị hơn và giúp con phát triển ngôn ngữ. Con trẻ sẽ học hỏi bằng cách nghe bạn nói chuyện về những việc bạn đang làm và đang nhìn thấy.
Bạn hãy yêu cầu con nói với bạn về những thứ mà bé nhìn thấy trên đường đi. "Cái kia màu gì?" hay "Cái kia to hay nhỏ?" Nếu bé nhìn thấy một con vật hoặc một con chim, bạn có thể hỏi con: "Con đó có mấy chân?" "Con bò đó có một cái đuôi có phải không?" hoặc "Con bò đó kêu như thế nào?"
Bạn hãy đi chậm lại để quan sát cảnh vật xung quanh. Bạn hãy để cho con có cơ hội quan sát và thám hiểm. Chỉ cho bé nhìn thấy các đám mây trên trời và những chiếc lá trên cây. Bạn hãy giúp con nhìn ngắm những thứ mới mẻ.
Một số lời khuyên an toàn
Khi đi ô tô, trẻ dưới 4 tuổi nhất thiết cần phải có ghế ngồi xe hơi (car seat).
Khi mang con đi dạo, bạn phải nói trước với bé rằng bạn sẽ dắt tay bé khi sang đường và nơi đông người.
Khi tới sân chơi công cộng hoặc tới công viên, bạn hãy dành vài phút để kiểm tra đồ chơi xem đồ chơi có bị vỡ không, có những cạnh sắc nhọn không. Bạn thử quan sát xem có những vật liệu mềm đặt dưới chân cầu trượt hoặc xích đu để bảo vệ khi bé ngã không.
Trước khi cùng đi siêu thị mua sắm với con, bạn hãy đảm bảo cho bé biết rằng bé cần ngồi trong xe đẩy. Nếu bé đứng trong xe đẩy thì bé sẽ không an toàn.
Khi con bạn đủ lớn, bạn cần phải đảm bảo rằng con bạn biết tên, địa chỉ nhà, điện thoại. Bạn cần phải luyện tập thương xuyên để bé nhớ điều này phòng khi bé lạc hoặc trong trường hợp bé gặp tai nạn. Bạn hãy dạy bé cần đến sự hỗ trợ của cảnh sát, nhân viên thu ngân hoặc giáo viên nếu cần thiết. Lập kế hoạch trước cho những sự cố này sẽ giúp con bạn biết cần phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp và giúp bé độc lập hơn.
Một số nguyên tắc dành cho gia đình - bố mẹ và con cái
Nếu mở cửa thì phải đóng cửa lại.
Nếu bật đèn lên thì phải tắt đi.
Nếu làm hỏng đồ thì phải sửa chữa.
Nếu mượn đồ người khác thì phải trả lại cho người đó.
Nếu sử dụng đồ đạc thì bạn phải bảo quản.
Nếu đã hứa thì cần giữ lời.
Nếu không biết máy móc vận hành như thế nào thì đừng sờ vào nó.
Nguồn: Pensylvannia State University
Biên dịch: Ngô Thu Hiền