Nếu trong nhà bạn có từ hai “ông quý tử” trở lên, bạn sẽ phải chịu cảnh “chiến tranh” thường xuyên bùng nổ, đặc biệt là khi tuổi tác của chúng chênh lệch nhau không lớn.
Chúng tôi xin gợi ý các bậc cha mẹ một số cách sau đây, để giải quyết những trường hợp “xung đột” và các bất hòa của con cái:
Tách chúng ra: Dù “trận chiến” chỉ mới bắt đầu thì việc cần làm trước hết là tách chúng ra, không cho chúng có mối liên hệ trực tiếp dù chỉ bằng ánh mắt. Đây là cách giữ an toàn cho cả hai anh em, vì khi tức giận trẻ không chỉ thiếu kiểm soát bằng hành động mà lời nói của chúng dễ làm tổn thương “đối phương” sau này.
Phổ biến luật “cấm”: Đó là trẻ con không được đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Cha mẹ cần nói cho trẻ biết những điều đơn giản như: “Con không bao giờ được đánh người khác và làm họ bị đau, huống hồ đây lại là anh em của con”. Tất nhiên là phải giải thích khi cái đầu nóng của con đã hạ nhiệt.
Cùng con tìm hiểu nguyên nhân: Việc tìm hiểu kĩ nguyên nhân dẫn đến xung đột còn giúp con nhìn lại chuyện gì đã xảy ra, đâu là sai lầm? Liệu có thể tránh được các sai lầm này không? Giúp con nhận ra trách nhiệm, cũng là cách làm cho chúng biết là bạn đã rất tin tưởng lần sau hành vi này sẽ không tái phạm nữa.
Thi hành kỉ luật: Nếu việc bạo lực xảy ra thường xuyên thì cha mẹ phải tìm đúng kẻ “gây rối” để kỉ luật. Tuỳ theo mức độ mà đưa ra các hình thức kỉ luật. Trong đó, một lời xin lỗi là tối cần thiết. Nhưng cha mẹ phải làm sao cho lời xin lỗi ấy là tự đáy lòng người nhận lỗi chứ không phải là câu nói cho qua chuyện vì bị ép buộc.
Cha mẹ cũng học cách tha thứ: Khi chúng ta nhận lời xin lỗi của đứa trẻ, đó cũng là cách giúp con lấy được niềm tin. Con cần được biết là cha mẹ hy vọng chúng tiến bộ. Một đứa bé nghĩ người khác nhìn nó như một người cư xử đàng hoàng, thì nó sẽ luôn tin và sẽ hành xử như thế.
Cuối cùng, nếu sự hung hãn của con cái đã trở nên khó kiểm soát như thường xuyên tấn công người khác hoặc các vật nuôi trong nhà, bạn đừng ngại ngùng đưa chúng đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Ngay cả khi thằng bé bỗng dưng cáu kỉnh và tức giận liên tục nhiều ngày, nên cho đi gặp bác sỹ ngay để được tư vấn và điều trị.
Bị anh, em bắt nạt, trẻ có khuynh hướng kết bạn xấu: Nghiên cứu đăng trên tờ Journal of Family Psychology quy tụ điều tra 73 người đàn ông lẫn phụ nữ, miêu tả lại mối liên lạc giữa họ và anh em ruột. Kết quả, người em trai nào thường bị anh ruột bắt nạt, có khi khá bất công, sẽ có khuynh hướng sa vào nghiện ngập ma túy, uống rượu, thường kết bạn với thành phần xấu hơn những người có anh em hòa thuận với nhau.
Tiến sĩ Bernadette Bullock, Trường Đại học Oregon, đồng tác giả của bản nghiên cứu cho rằng, mối quan hệ anh em tốt hay xấu ảnh hưởng rất rõ đến tính cách sau này của chúng. Thậm chí, thái độ của cha mẹ khi can thiệp vào những xung đột anh em cũng tác động mạnh đến tính khí của từng đứa con.
Cho nên, cha mẹ phải khéo léo trong cách đối xử với con cái, nhất là không nên về hùa nhiều người để bắt nạt một người. Vì trong trường hợp này, xem như ý kiến của cha mẹ là ý kiến chung cuộc, khó đảo ngược. Nếu bạn thấy đứa anh có ý kiến hay thái độ quá ngặt nghèo với em của nó, thì đứa mà bạn phải khuyên răn đầu tiên chính là đứa anh!
Khi bạn “xét xử” hay “ban thưởng” cho một thành viên trong những đứa con, bạn nên làm chuyện này với ý thức là chúng đang sống chung trong một môi trường. Cách hành xử đối nghịch của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Theo giadinh.net